Trong vòng nửa ngày khi nghe thông báo nam thanh niên 28 tuổi, quê Hà Nam dương tính với nCoV, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã khởi động lại hệ thống truy vết bằng việc đến ngay khách sạn "bệnh nhân 2899" ở khi cách ly tập trung (sau chuyến bay về từ Nhật Bản), để truy tìm F1.
Qua trích xuất camera từ ngày 7 tới 21, thời gian bệnh nhân cách ly tại khách sạn ở quận Sơn Trà, cho kết quả anh này tuân thủ nội quy, không bước ra khỏi phòng, không giao tiếp với ai, nhưng CDC Đà Nẵng đã quyết định cách ly ngay 2 nhân y tế, 8 nhân viên khách sạn và một dân quân bảo vệ điểm cách ly.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết lần theo thông tin biển số xe mà bệnh nhân đăng ký để di chuyển từ khách sạn ra Bến xe trung tâm Đà Nẵng sau khi hoàn thành cách ly, trong thời gian ngắn, nhân viên truy vết đã liên lạc với tài xế grab và đưa người này đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Biển số xe khách chở anh này từ Đà Nẵng về Hà Nội, giờ xuất bến ngày 21/4, cũng nhanh chóng được xác định. Nhân viên y tế điện thoại trực tiếp cho 39 người là hành khách, tài xế, phụ xe và thông báo cho các địa phương có người đi cùng chuyến xe để cách ly ngay. Riêng tại Đà Nẵng, 14 người có mặt trên chuyến xe được lấy mẫu xét nghiệm, đưa đi cách ly tập trung trong ngày 29/4.
"Đội truy vết" của TP Đà Nẵng bước vào "cuộc chiến" với Covid-19 hơn một năm nay. Ngày 8/3/2020, khi các gia đình đang quây quần mừng ngày Quốc tế phụ nữ, thì các nhân viên CDC Đà Nẵng mặc đồ bảo hộ kín mít, nhận lệnh đi truy vết F1, F2 hai du khách người Anh mắc Covid-19.
Hai nhân viên CDC là bác sĩ Nghĩa và Nam lập tức có mặt ở khách sạn nơi hai vị khách người Anh ở. Dù đã có kết quả dương tính, nhưng lúc này Đà Nẵng chưa được cấp phép xét nghiệm, phải chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm khẳng định, nên ban đầu hai vị khách không đồng ý việc cách ly.
![Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu dân cư ở quận Hải Châu có ca mắc Codvid-19, cuối tháng 7/2020. Ảnh: Đắc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/04/30/khu-trung-nCoV-4153-1595747753-9100-4040-1619759258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_AkZV6JMTyUwC-lS48jJtQ)
Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu dân cư ở quận Hải Châu có ca mắc Codvid-19, cuối tháng 7/2020. Ảnh: Đắc Thành.
Mất ba tiếng đồng hồ vừa thuyết phục, vừa hỏi cặn kẽ những nơi họ đã đặt chân đến, nhân viên y tế mới đưa được hai bệnh nhân vào Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. May mắn, hai du khách đều cẩn thận ghi chú lại trên điện thoại các địa chỉ họ đến nên thuận lợi cho các tổ truy vết.
Các bác sĩ tiếp tục gõ cửa từng quán bar, nhà hàng lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện thêm một nữ nhân viên điện máy bán điện thoại cho hai người Anh, bị mắc Covid-19. Đà Nẵng cũng tiếp tục rà soát hàng trăm người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm và không phát hiện thêm ca lây nhiễm cộng đồng.
Trong bối cảnh các hướng dẫn, văn bản ban hành của Bộ Y tế khi đó đều mới và tạm thời, CDC Đà Nẵng đặt ra yêu cầu phải làm sao truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 trong vòng 14 ngày. Mỗi khi xuất hiện thông tin mới, các cơ quan phải thông báo ngay cho tổ truy vết địa phương xác minh, đưa người đi cách ly bất kể ngày hay đêm.
Khó khăn là nhiều du khách Trung Quốc, Hàn Quốc không nói được tiếng Anh, phải nhờ qua phần mềm dịch tự động trên chiếc điện thoại đã được bịt kín. Nhiều khi, các bác sĩ phải làm cử chỉ điệu bộ để giải thích, ghi thông tin ra giấy rồi chép vào điện thoại.
"Xong việc, chúng tôi phải gửi toàn bộ thông tin qua điện thoại, cẩn thận hủy giấy, quần áo bảo hộ và sát khuẩn mới ra về", bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Đà Nẵng, người chỉ huy tổ truy vết của Đà Nẵng, nói.
![Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm kể về những ngày truy vết bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/04/30/Lam-9822-1614437535-6465-1619759258.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YmSJ7M7Uuvi6aYX8fOJn9g)
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm kể về những ngày truy vết bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Nguyễn Đông.
Cuối tháng 7 năm ngoái, Đà Nẵng là tâm dịch trong làn sóng Covid thứ hai. "Bệnh nhân 416" được phát hiện ở Bệnh viện C, có lịch trình đã đi nhiều nơi. "Khi nhận thông tin về ca bệnh này, ngày 23/7, tôi đã thực sự lo lắng vì bệnh nhân từng đến điều trị ở Bệnh viện Đà Nẵng, dự tiệc cưới", bác sĩ Lãm nhớ lại.
Các nhân viên CDC đến nhà hàng tiệc cưới đề nghị trích xuất camera và "thật khó để xác định ai đã tiếp xúc gần, vì cả một rừng người". Bệnh nhân sau nhập viện đã hôn mê, nhân viên truy vết phải tìm gặp người thân, hỏi cặn kẽ những người trong hai họ nhà trai, nhà gái có tiếp xúc gần. Kết quả, ít nhất 1.079 người đã tiếp xúc, trong đó tiếp xúc trực tiếp là 288 người. Đà Nẵng sau đó phải cách ly toàn xã hội.
Ngày 31/7, Đà Nẵng ghi nhận 45 ca mắc Covid-19. Hơn 20 nhân viên truy vết của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm làm ngày đêm không hết việc, thành phố buộc phải điều thêm nhân viên y tế ở tổ kiểm soát y tế sân bay Đà Nẵng (đã dừng các chuyến bay), về hỗ trợ để "chạy đua" với dịch.
"Mỗi anh em phải dùng hai máy điện thoại mới có thể xử lý hết công việc. Có lúc đang trao đổi với trung tâm y tế ở quận Hải Châu thì số máy bên kia là cuộc gọi của huyện Hoà Vang. Tôi không nghe số người lạ để tập trung thời gian làm việc", bác sĩ Lãm nói thêm.
Các nhân viên truy vết không có khái niệm thời gian, chuyện xong việc lúc 1-2h sáng, thậm chí là xuyên đêm diễn ra thường xuyên. Bếp nấu ăn của CDC ở khu nhà trên đường Phan Châu Trinh vốn chỉ để những nhân viên ở xa nấu ăn trưa, đã trở thành bếp ăn dã chiến. Hội trường thành phòng ăn. Phòng làm việc tầng 4 thành khu ngủ tạm. Nhiều người dân biết chuyện, mang giường xếp đến tặng, kèm lời cảm ơn.
![Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng, tháng 8/2020. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/04/30/mau-2869-1598895725-3571-16144-5784-9561-1619759259.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cQ1JAdiDOD-SVJe91xSN7Q)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng, tháng 8/2020. Ảnh: Nguyễn Đông
CDC chia thành nhiều tổ làm việc. Tổ truy vết là người đi tiên phong, tìm cặn kẽ lịch trình của các ca F0; tổ nhập liệu nhập số liệu ở các quận huyện, xử lý trên máy tính; tổ hướng dẫn các tổ Covid cộng đồng; tổ báo cáo cập nhật số liệu; tổ xét nghiệm (lấy mẫu, nhập mẫu và làm xét nghiệm); phối hợp liên tục với các trạm y tế tuyến dưới.
Y sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Trưởng Trạm y tế phường Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), nói "nhớ suốt đời" là lần cả trạm nhận tin ca bệnh 416 ở địa bàn. Không tránh khỏi tâm lý hoang mang, nhưng công việc của các nhân viên trạm y tế và tổ phòng chống Covid ở cộng đồng là phải nhanh chóng đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà soát tất cả những người có tiếp xúc, từ F1 đến F2, F3.
Hòa Khánh Bắc là phường tập trung đông sinh viên và công nhân, lịch trình đi lại nhiều, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Sau khi phân loại từng nhóm người tiếp xúc, đưa F1 đi cách ly, các nhân viên truy vết phải lập danh sách F2, F3 kèm số nhà, số điện thoại để gọi điện trước, chia giờ đến kê khai y tế, đo thân nhiệt.
Chị Thoa nói, có quãng thời gian 14 ngày ròng rã, các nhân viên truy vết thường xuyên phải mang đồ bảo hộ, di chuyển đến nhiều địa điểm cách xa nhau. Hết ca làm, họ không dám về nhà vì sợ lây cho gia đình, người thân. Trạm y tế thành nơi ăn, ở. Điện thoại luôn kè kè bên mình để có ca bệnh mới là những người truy vết phải đi đầu. Các nhóm chát giữa trạm y tế với các tổ dân phố, lãnh đạo địa phương liên tục cập nhật thông tin để cùng phối hợp xử lý mọi tình huống.
Với các tổ truy vết, kỹ năng đầu tiên là phải dùng mọi biện pháp để hỏi chuyện. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm nói, nếu người bệnh không thực sự hợp tác thì tìm Facebook cá nhân của họ để xem những ngày qua đã checkin ở đâu, đối chứng lại. Có người bệnh trả lời lấp lửng, nhân viên truy vết lại phải mang đồ bảo hộ, vào tận giường bệnh thuyết phục; nhiều lần phải tìm gặp người thân để hỏi thêm.
Nhiều trường hợp người bệnh đến từ Quảng Ngãi, Quảng Nam; người nhà của họ đã đi cách ly tập trung. Tổ truy vết phải gọi điện thoại về cho địa phương để thông báo, hướng dẫn phân loại trường hợp tiếp xúc để có biện pháp cách ly phù hợp.
"Khi đi truy vết, tôi yêu cầu nhân viên phải trả lời được ba câu hỏi: Người bệnh có triệu chứng từ ngày nào, có điều trị hay mua thuốc ở đâu không và lấy mốc lùi lại một tuần để truy vết; ba ngày gần nhất (nguy cơ lây nhiễm cao), họ gặp ai để quét hết những người có tiếp xúc gần; 14 ngày qua có tiếp xúc với ai và có thể lây từ ai để tìm nguồn lây. Trả lời được đủ ba câu hỏi này cũng rất vất vả", bác sĩ Lãm nói.
Ngày 5/8/2020, Đà Nẵng tiên phong trong việc xét nghiệm gộp nhóm 3-5 người cùng lúc để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Bác sĩ Lãm cho biết, đến khi thành phố quét hết được 72.000 mẫu là những người có tiếp xúc gần các ca bệnh, khu dân cư, khu chợ có người nhiễm nCoV, các nhân viên truy vết mới có được phút nghỉ ngơi.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, những nhân viên y tế tuyến đầu lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ đi truy vết F1... Chị Kim Thoa nói, bây giờ nhân viên y tế tuyến phường xã cũng như cộng tác viên ở tổ dân phố đã thành thạo kỹ năng truy vết, chỉ "kích hoạt là bắt tay vào làm" và quan trọng là "không còn hoang mang như trước".
"Chúng tôi nhắc nhau nghỉ lễ nhưng luôn phải giữ điện thoại bên mình, có việc là hô nhau đi làm ngay, không để bị động. Kinh nghiệm từ đợt dịch trước cho thấy chỉ có thần tốc trong việc truy vết, đưa người đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm nhanh mới có thể hạn chế và khống chế được sự lây lan của Covid-19", chị Thoa nói.