Stockwell thường ngủ trưa vài lần một tuần. "Nhờ đó, tôi nghĩ ra nhiều ý tưởng mang tính xây dựng và sáng tạo hơn, thay vì cứ ép bản thân làm việc khi mệt mỏi", anh nói.
Ngủ trưa không phổ biến ở Mỹ, nhưng một số công ty và nhà quản lý lại khuyến khích ngủ trưa. Will Bryk, người sáng lập startup Exa về trí tuệ nhân tạo (AI), tin rằng giấc ngủ ngắn 20 phút tốt cho cơ thể và đã đặt mua hai khoang ngủ cho nhân viên sử dụng trong văn phòng công ty ở San Francisco. Nhà sản xuất kem Ben & Jerry cũng bố trí phòng ngủ trưa tại trụ sở chính ở Vermont suốt hàng chục năm.
Arianna Huffington, người sáng lập trang tin tức Huffington Post, bắt đầu cổ vũ mọi người ngủ đêm ngon giấc và thỉnh thoảng ngủ trưa sau khi ngất vì kiệt sức năm 2007. Bà đã bố trí một phòng ngủ trưa ở công ty cũ, nay gọi là HuffPo, và tại Thrive Global, công ty công nghệ mà bà là nhà sáng lập kiêm CEO.
"Với người thức trắng đêm vì con ốm hay chuyến bay bị hoãn, nếu có cơ hội ngủ trưa, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, tích cực hơn thay vì lờ đờ cho hết ngày hay cố gắng tỉnh táo bằng cà phê hoặc bánh quế", Huffington nói.
![Metronaps, công ty cung cấp khoang ngủ cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, thử nghiệm khoang ngủ trong tòa nhà Empire State ở New Yok năm 2007. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/download-33-1738921345-1187-1738921861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9ONNEq3G49ssr21nZQCq1w)
Metronaps, công ty cung cấp khoang ngủ cho nhiều doanh nghiệp Mỹ, thử nghiệm khoang ngủ trong tòa nhà Empire State ở New Yok năm 2007. Ảnh: AFP
Kirsten Perez, 33 tuổi, luôn ủng hộ ngủ trưa. Cô từng dùng thời gian ăn trưa tại chỗ làm để chợp mắt trong ôtô. Khi có phòng làm việc riêng, cô đóng cửa lại, ngồi ngủ ở bàn làm việc.
Bây giờ, khi đang làm việc tại nhà trong vai trò giám đốc tiếp thị của Nvidia, Perez thường lên giường ngủ trưa. Cô đặt báo thức trong 15 phút, đi vào giấc ngủ trong vòng một phút và thức dậy 30 giây trước khi chuông reo.
"Tôi cảm nhận được lúc nào đầu óc, tâm trạng của mình đi xuống vì mệt mỏi", Perez nói. Khi đó, cô thường tự hỏi mình còn thời gian không và sẽ tranh thủ ngủ 15 phút nếu có.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của ngủ trưa như tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung. Ngủ trưa là việc đương nhiên ở một số vùng Tây Ban Nha và Italy. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, việc ngủ gật không bị chê trách vì làm việc tới kiệt sức được coi là người lao động tận tụy, theo một nghiên cứu trên tạp chí Sleep.
Tuy nhiên, để có một giấc ngủ ngắn trong giờ làm việc ở Mỹ là điều rất khó, bởi đa số người Mỹ coi người ngủ trưa là kẻ lười biếng. Các cơ quan chính quyền liên bang Mỹ thậm chí cấm ngủ trong văn phòng khi đang trong giờ làm việc, trừ một số ít trường hợp đặc biệt.
James Rowley, giám đốc chương trình Nghiên cứu Y tế Giấc ngủ tại Trung tâm Y tế Đại học Rush, cho hay giấc ngủ quan trọng với sức khỏe như chế độ ăn uống và luyện tập. Ông cho rằng trước đây tivi là thứ ảnh hưởng nhiều nhất tới giấc ngủ nhưng bây giờ là điện thoại di động. "Người ta mang điện thoại lên giường, nằm và xem", ông nói.
Ngủ trưa không phổ biến trong giới học thuật, nơi luôn đối mặt áp lực bắt kịp thời gian xuất bản, nhưng Julianna Kirschner, giảng viên Đại học Nam California, vẫn tranh thủ ngủ trưa. Kirschner nghiên cứu về các mạng xã hội và cho hay lĩnh vực này được thiết kế để kích thích dopamine lên não. Người dùng không để ý tới thời gian lướt mạng dẫn tới thiếu ngủ. Kirschner cũng từng rơi vào tình trạng như vậy, do đó, cô thỉnh thoảng cần ngủ trưa.
Mấu chốt để có một giấc ngủ trưa hiệu quả là ngủ ngắn. Giấc ngủ ngắn giúp cơ thể phục hồi và tỉnh táo hơn, theo Rowley. "Đa số không nhận ra chỉ nên ngủ trưa 15-20 phút", ông nói. "Nếu ngủ lâu hơn, bạn sẽ khó tỉnh giấc và uể oải khi thức dậy".
Những người thường xuyên phải dựa vào ngủ trưa để bù đắp cho giấc ngủ đêm cũng nên xem xét lại thói quen trước lúc đi ngủ, ông nhận định.
Khoảng thời gian giữa buổi chiều là thời điểm lý tưởng để ngủ bởi trùng với thời điểm đồng hồ sinh học giảm hoạt động, theo Michael Chee, giám đốc Trung tâm Giấc ngủ và Nhận thức, Đại học Quốc gia Singapore. "Sau giấc ngủ ngắn, bạn sẽ cảm thấy cơ thể được nạp năng lượng", ông nói.
Ngủ trưa thậm chí là cần thiết đối với một số ngành nghề. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến khích y tá làm ca đêm ngủ trưa, nhưng nhiều người không thể ngủ ở bệnh viện vì quá bận hoặc không có giường.
![Khoang ngủ của Nap York tại thành phố New York với giá 27 USD/giờ. Ảnh: Nap York](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/download-31-1738921009-5350-1738921861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RBBdnKGcSnLH3IImGAHMTg)
Khoang ngủ của Nap York tại thành phố New York với giá 27 USD/giờ. Ảnh: Nap York
Một số công ty đang cố gắng lấp đầy khoảng trống này. Lấy cảm hứng từ công việc y tá của mẹ, Neil Wong sáng lập Nap York, nơi cung cấp khoang ngủ ở hai quận Manhattan và Queens, thành phố New York, với giá thuê 27 USD một giờ.
Khách quen của anh là những người đi làm xa nhà, các tài xế UPS, một nhân viên bảo vệ làm hai công việc toàn thời gian và y bác sĩ làm việc tại các bệnh viện xung quanh. Nap York giảm nửa giá cho những người làm việc trong các ngành nghề thiết yếu như cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên cấp cứu.
"Trong xã hội này, bạn chỉ có hai nơi để ngủ: một là giường trong nhà và phòng khách sạn với giá 100 USD", Wong nói, giải thích về quyết định sáng lập Nap York. "Thực sự không có không gian thứ ba nào yên tĩnh, riêng tư, để bạn có thể nghỉ ngơi".
Hồng Hạnh (Theo AP)