Cậu kế toán viên này vào thay thế vị trí của tôi sau khi tôi rời Cục Điện ảnh. Vụ việc này làm tôi suy nghĩ bằng cách nào mà cậu ta lại có thể biển thủ được số tiền lớn như vậy mà không bị phát hiện. Do từng làm đúng vị trí đó nên tôi cũng dễ dàng suy luận ra. Vụ việc rung lên một hồi chuông báo động cho các cơ quan và doanh nghiệp VN sau một loạt các phi vụ bị rút ruột từ những nhân viên không trung thực.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy ở nhiều cơ quan và doanh nghiệp tại VN là các thủ trưởng đơn vị, giám đốc không hề biết những kiến thức sơ đẳng về quản lý tài chính. Vì vậy, tuy là chủ tài khoản của cơ quan nhưng việc quản lý tài chính hoàn toàn phụ thuộc vào bộ phận kế toán, họ báo sao thì biết vậy mà không hề kiểm tra và không có kiến thức để kiểm tra. Cục trưởng và Cục phó Cục Điện ảnh đều là dân nghệ thuật, nên có thể họ chỉ kiểm tra tài chính theo thông báo của kế toán mà không có cách nào kiểm tra độc lập.
Một lỗ hổng thứ hai và tương đối cơ bản là tại Việt Nam, việc giao dịch giữa ngân hàng và cơ quan thường chỉ giao cho một người duy nhất. Nên việc này dễ bị nhân viên phụ trách lợi dụng và thao túng.
Lỗ hổng thứ ba nằm ở việc đối chiếu giữa ngân hàng, kho bạc với cơ quan, doanh nghiệp. Thông thường, chỉ có một nhân viên kế toán chuyên phụ trách giao dịch giữa cơ quan với ngân hàng, kho bạc. Khi không có giao dịch nào phát sinh thì phải tới cuối năm, ngân hàng, kho bạc mới gửi một thông báo số dư cần đối chiếu và xác nhận 2 bên. Có lẽ dựa vào sơ hở này mà cậu kế toán viên kia có thể qua mắt được kế toán trưởng. Chắc chắn kế toán trưởng vẫn đinh ninh là số dư tài khoản tại kho bạc vẫn không đổi và không có gì phát sinh nên cũng không có sổ phụ mới. Nhưng trên thực tế thì hàng ngày cậu nhân viên vẫn làm giả ủy nhiệm chi để chuyển tiền đi và sổ phụ mới không được mang về cơ quan. Do vậy, Cục Điện ảnh chỉ có thể phát hiện ra chênh lệch này vào cuối năm hoặc khi cậu này đã chuồn khỏi Việt Nam. Muốn xử lý kẽ hở này thì những người có trách nhiệm về tài chính phải kiểm tra số dư thường xuyên, không chỉ dựa vào chứng từ mang về mà cả gọi điện, kiểm tra qua online, hoặc thậm chí nhiều ngân hàng còn có dịch vụ tin nhắn thông báo số dư định kỳ tới lãnh đạo cơ quan. Về phía kho bạc cũng nên có dịch vụ thông báo số dư hàng tháng, thậm chí qua tin nhắn.
Lỗ hổng thứ tư: tại Việt Nam, hệ thống chứng từ kế toán vẫn chủ yếu dựa vào chứng từ giấy. Có nhiều người đặt câu hỏi rằng, tại sao vụ việc này diễn ra trong ba năm trời, trong khi đó hàng năm giữa Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa đều có thanh quyết toán, mà tại sao cấp trên không phát hiện ra. Theo tôi nghĩ thì cậu nhân viên kế toán này cũng làm giả luôn cả bảng thông báo số dư của kho bạc. Như vậy, một vấn đề tiếp theo cần đặt ra là phải có sự kết nối giữa cơ quan cấp trên và cấp dưới về mặt tài chính, cụ thể là cơ quan cấp trên ngoài việc chỉ xem xét và kiểm tra về chứng từ còn có thể được truy cập và kiểm tra số dư tiền của cơ quan cấp dưới.
Trên đây là những bài học của các cơ quan và cả những doanh nghiệp mà công tác quản lý tài chính còn chưa sát sao và rất dễ bị lợi dụng bởi những nhân viên có đạo đức xấu.
Nguyễn Hồng Hải