Bố mẹ nghĩ Hùng đang trong tuổi dậy thì nên cư xử khác thường, nhưng chị Hương, 28 tuổi, chị gái Hùng, không nghĩ vậy. "Bọn trẻ thường nổi loạn, còn em trai tôi có vẻ không kiểm soát được cảm xúc hoặc gặp vấn đề tâm lý", chị Hương nói, cho biết tình trạng của Hùng xuất hiện từ khi phải ở nhà học trực tuyến vì Covid-19.
Theo quan sát của chị Hương, Hùng hay bị kích động và có xu hướng cư xử bạo lực với người thân. Mỗi khi bị bố mẹ mắng, Hùng rất dễ tức giận, phải giải tỏa bằng cách đập mạnh tay vào tường, bàn hoặc ném đồ vật. Tuy nhiên, trước người lạ, Hùng lại sợ giao tiếp, lẩn tránh, thi thoảng vò đầu bứt tai. Với bạn bè, Hùng thường trả lời nhát gừng và diễn đạt câu cú lủng củng, khó hiểu. "Trước thời gian học trực tuyến, Hùng khá trầm, chỉ ngại giao tiếp nhưng giờ tôi thấy nó còn cực đoan theo hướng bạo lực", chị Hương nói.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 2, trong số hơn 340.000 học sinh, 45% gặp vấn đề sức khỏe, bao gồm các vấn đề sức khỏe tâm lý, tinh thần, trong thời gian học trực tuyến.
![Học sinh bật khóc khi chia sẻ tại diễn đàn Điều em muốn nói do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 17/5. Ảnh: Tiền Phong](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-7896-1666927533.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WInykLOQY4_bZxrdGZTFJA)
Học sinh bật khóc khi chia sẻ tại diễn đàn "Điều em muốn nói" do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 17/5. Ảnh: Tiền Phong
Trước đó, cuối tháng 12/2021, sau khi khảo sát gần 600 học sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), Phòng Tâm lý học đường của Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thấy trẻ tiểu học thường gặp nhiều khó khăn về học tập, học sinh lớn hơn có nhiều áp lực với xã hội và gia đình.
Điều này cũng đúng với Phương Linh, học sinh lớp 11 tại TP HCM. Từ giữa tháng 10, nữ sinh cảm thấy mình "dễ nóng nảy, hay lo lắng quá mức và khóc nhiều". Linh kể nhiều hôm em lo đến mức khó thở, tay chân run rẩy, lý do "chỉ chung chung là sợ thất bại". "Bố mẹ kỳ vọng về em nhiều, nên mỗi khi không đạt kết quả tốt, nỗi sợ lại xuất hiện", Linh nói.
Nữ sinh đang học song song chương trình THPT và trung cấp nghề. Nhiều ngày, thời gian học của Linh kéo dài từ 7h đến 20h. Tuy nhiên, sau đó Linh còn phải làm việc nhà do không ở cùng mẹ, bố lại đi làm đến tối muộn. "Em luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và thiếu thời gian học, hay đau đầu và nóng người. Nhiều khi làm việc một lúc là người sẽ nóng và mặt đỏ hơn", Linh mô tả tình trạng của mình.
Tại chương trình tập huấn cuối tháng 10/2021 dành cho các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định học sinh vừa trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý, lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa kể những yếu tố rủi ro vì dịch bệnh như các em bị mồ côi cha mẹ, mất người thân. Với những nguyên nhân trên, bà Minh nhận định việc các em gặp sang chấn, khủng hoảng tâm lý là khó tránh khỏi.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (năm học 2022-2023) hôm 18/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường học thành lập Tổ tư vấn để hỗ trợ học sinh, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc liên quan tâm lý. Sở cho rằng cần chú trọng tới sức khỏe tinh thần của các em, đặc biệt khi ngày càng nhiều học sinh gặp vấn đề tâm lý trong quá trình học hoặc bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP HCM, tán thành chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo.
"Quan tâm đến tâm lý học sinh là vấn đề rất cấp thiết", bà Trâm nói, dẫn chứng nhiều sự việc không mong muốn liên tiếp xảy ra với thanh thiếu niên thời gian gần đây, "nghiệm lại đều thấy liên quan tâm lý".
Khảo sát của Phòng Tâm lý học đường của Hệ thống Giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho thấy 62,8% học sinh được khảo sát cho biết chủ yếu được hỗ trợ từ gia đình, người thân trước những khó khăn về tâm lý, con số này ở các học sinh THCS là 35,%. Các em nói muốn nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn từ thầy cô và các chuyên gia.
Dù vậy, các trường học, đặc biệt là trường công lập sẽ gặp nhiều thách thức khi thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường.
Trường THCS Hà Huy Tập hiện không có chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên trách, chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. "Nhưng cái khó là không phải ai cũng mềm mỏng, kiên nhẫn và hợp với học sinh", hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm nói.
Thời gian gần đây, nhân viên phụ trách thư viện của trường Hà Huy Tập được tập huấn một khóa ngắn hạn về tâm lý học đường, hiện là người đảm nhận chính việc chia sẻ, tư vấn cho học sinh. Bà Trâm cho rằng "điều may mắn là cô thư viện cũng thích vai trò này, lại chưa có gia đình nên khá nhiều thời gian", còn về lâu dài "rất khó khăn" vì nhân viên không được chi trả phụ cấp hay ưu đãi nào.
![Một buổi tập huấn kỹ năng nhận biết cảm xúc tuổi mới lớn dành cho giáo viên trường THPT Nguyễn Du, tháng 11/2019. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-6443-1666927533.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=S0oAaqCP6dglR2WS2Xu9Xg)
Một buổi tập huấn kỹ năng nhận biết cảm xúc tuổi mới lớn dành cho giáo viên trường THPT Nguyễn Du, tháng 11/2019. Ảnh: Mạnh Tùng
Ngay cả khi Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM khuyến khích các trường ký hợp đồng với nhân viên có chuyên môn tâm lý, bà Trâm cũng nhận định việc này không dễ, do không có cơ chế cụ thể.
Danh mục khung vị trí việc làm với các trường phổ thông, được quy định tại Thông tư 16 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên và nhóm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (thư viện, thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin, kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế, hỗ trợ người khuyết tật, giáo vụ). Có thể thấy, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường không thuộc vị trí nào kể trên.
Chưa kể, theo bà Trâm, tâm lý là một lĩnh vực khó, quá trình học tâm lý "rất vất vả". Công việc này cũng đòi hỏi chuyên viên luôn phải túc trực, sẵn sàng chia sẻ với học sinh bất kể giờ giấc. Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng trường công lập không thể đảm bảo mức đãi ngộ, khả năng thăng tiến cho vị trí này như các doanh nghiệp.
Đồng tình với bà Trâm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), nhận định thành lập tổ tư vấn tâm lý là thách thức lớn với trường công lập. "Hầu hết trường đang không có nhân viên chuyên trách mà chỉ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn, lấy chứng chỉ", ông Hùng nhận định.
Từ năm 2008, trường Marie Curie đã thành lập tổ tư vấn học đường chuyên trách, gồm một chuyên gia và 4-5 cộng tác viên. Ông Hùng cho biết kinh phí duy trì tổ tư vấn tâm lý trong 14 năm qua chủ yếu do phụ huynh đóng góp, kết hợp với ngân sách của trường. Do đó, Phó hiệu trưởng trường Marie Curie chia sẻ với băn khoăn của các trường về cơ chế, thù lao cho nhân viên tư vấn.
Khi có chuyên viên tư vấn rồi, làm thế nào để học sinh tin tưởng và tìm đến chia sẻ cũng là điều quan trọng.
Vũ Hương Bình, sinh viên Đại học Harvard (Mỹ), từng thực hiện dự án Blueblue hotline - tổng đài tư vấn sức khỏe tâm lý cho học sinh Việt Nam vào đầu năm 2021. Ngay trong tháng thứ hai hoạt động, Blueblue nhận được 200 cuộc gọi, trong số đó, không ít học sinh liên lạc nhiều hơn một lần.
Bình thấy rằng ngay cả khi nhà trường có chuyên gia, giáo viên hỗ trợ tâm lý, học sinh vẫn e dè chia sẻ với thầy cô. "Các bạn có xu hướng chia sẻ với người lạ, để không bị phán xét, cũng không phải lo lắng trường sẽ kể lại cho bố mẹ mình", Bình giải thích.
![Học sinh trường THPT Marie Curie, quận 3 (TP HCM), sinh hoạt chuyên đề tháng 3/2018 tại câu lạc bộ Tâm lý. Ảnh: Fanpage nhà trường](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/28/-6749-1666927533.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sHnLQfEto9_1xPaw9LaWwQ)
Học sinh trường THPT Marie Curie, quận 3 (TP HCM), sinh hoạt chuyên đề tháng 3/2018 tại câu lạc bộ Tâm lý. Ảnh: Fanpage nhà trường
Để vượt qua tình trạng căng thẳng và lo âu, Phương Linh chọn cách giãi bày ẩn danh trên một nhóm tư vấn tâm lý. Nữ sinh nói "không thân với thầy cô nào nên không biết kể cho ai ở trường".
"Chia sẻ ẩn danh mình có thể nhận được tư vấn mà không cần lộ mặt hay bị đánh giá, cười cợt", Linh nói.
Còn với Hùng, sau khi chia sẻ vấn đề của em trai trên một diễn đàn tư vấn tâm lý, chị Hương được khuyên nên đưa Hùng gặp bác sĩ. Chị thuyết phục bố mẹ, chủ động đứng ra chi trả phí điều trị của em trai. Chị Hương cho biết do mới điều trị, tình trạng của Hùng chưa cải thiện rõ rệt và "gia đình xác phải định kiên trì".
Hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm cho rằng để học sinh tin tưởng, người tư vấn cần cam kết giữ bí mật thông tin của các em. Cùng với đó, các trường cũng cần giới thiệu chuyên gia tư vấn trong giờ chào cờ, các tiết sinh hoạt lớp để học sinh "biết mặt, biết tên".
Tại trường THPT Marie Curie, Phó hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết ngoài việc đợi học sinh tìm đến, tổ tư vấn chủ động tổ chức các hoạt động chia sẻ kiến thức tâm lý, sức khỏe sinh sản cho học sinh. Các nhà giáo đều thống nhất quan điểm "phải đồng hành, làm bạn với học sinh".
Đối mặt hàng loạt khó khăn, nhưng hiệu trưởng Trâm cho rằng "phải làm, đừng buông". Bà Trâm mong được Sở Giáo dục và Đào tạo đồng hành, hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý hoặc khung chế độ chi trả đãi ngộ cho chuyên viên. Ngoài ra, theo bà, địa phương cũng có thể phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm xử lý các trường hợp nghiêm trọng, có yếu tố vi phạm pháp luật.
"Xã hội giờ đã phức tạp hơn ngày xưa rất nhiều, nên rất cần có một đội ngũ tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh. Nếu bây giờ không làm thì đợi đến bao giờ?", bà Trâm nói.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Thanh Hằng