Những quy luật này chứa đựng những chân lý áp dụng cho mọi khía cạnh, từ cách chúng ta xử lý mối quan hệ tình yêu và tình bạn đến cách chúng ta theo đuổi mục tiêu hay đối mặt với thất bại. Chúng cũng giúp giải thích tại sao mọi thứ lại sụp đổ vào thời điểm tồi tệ nhất, tại sao một ý tưởng bị bỏ qua, tại sao suy nghĩ thái quá lại phá hỏng sự tiến bộ.
Định luật Murphy
Định luật Murphy xuất phát từ câu nói nổi tiếng của kỹ sư hàng không Edward A. Murphy: "Nếu điều tồi tệ có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra".
Năm 1949, tác giả của định luật đã dùng hiện tượng bánh mì phết bơ để chứng minh. Khi ông thả rơi một chiếc bánh sandwich được phết bơ trên mặt, số lần mặt phết bơ úp xuống đất sẽ nhiều hơn. Định luật này có thể hiểu cách khác là "việc xấu luôn có cơ may cao hơn".
Cốt lõi của định luật là nhấn mạnh đến sự bất định và tính không lường trước được của cuộc sống. Nếu bạn cho rằng mọi thứ sẽ luôn suôn sẻ, bạn có thể dễ bị tổn thương khi gặp trở ngại. Nếu bạn không dự trù rủi ro, không để chỗ cho sai sót hay không có phương án dự phòng, bạn sẽ thất bại khi vấn đề phát sinh.
Định luật Murphy không phải là lời tiên tri bi quan mà là một lời cảnh tỉnh thực tế: người thành công không phải vì may mắn, mà vì họ chuẩn bị tốt cho mọi khả năng xấu có thể xảy ra. Sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần linh hoạt mới là chìa khóa để đối phó với một thế giới vốn luôn đầy rẫy những điều không như mong đợi.

Định luật Murphy còn có tên gọi khác là định luật "bánh bơ". Ảnh minh họa: Pexels
Định luật Kidlin
Định luật Kidlin tuy ít được biết đến so với Murphy, nhưng lại hữu ích trong việc quản lý công việc, cảm xúc và tổ chức cuộc sống. Định luật này nói: Nếu bạn không viết ra một vấn đề, bạn sẽ không rõ ràng về nó.
Định luật Kidlin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cụ thể hóa và hệ thống hóa suy nghĩ bằng ngôn ngữ viết. Khi chúng ta chỉ giữ vấn đề trong đầu, ta rất dễ bị rối rắm, cảm tính, hoặc bỏ qua những chi tiết quan trọng. Khi bắt đầu viết ra giấy – ví dụ như mô tả một rắc rối, liệt kê nguyên nhân, phân tích cảm xúc hoặc đưa ra các phương án giải quyết, chúng ta buộc phải suy nghĩ có cấu trúc và logic hơn.
Định luật nhấn mạnh, viết là công cụ soi sáng tư duy. Nếu bạn không thể viết ra một vấn đề một cách rõ ràng, tức là bạn chưa thực sự hiểu nó, và do đó, bạn cũng khó có thể giải quyết nó hiệu quả.
Định luật Gilbert
Định luật Gilbert chỉ ra, vấn đề lớn nhất ở nơi làm việc là những người có trách nhiệm thường không biết họ đang làm gì.
Định luật phản ánh một hiện tượng thực tế, nhiều người ở vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc có quyền ra quyết định nhưng không hoàn toàn hiểu công việc họ đang điều hành, không đủ khả năng để dẫn dắt hiệu quả. Họ có thể tự tin, nói năng mạnh mẽ, nhưng lại thiếu chiều sâu về kiến thức hoặc kỹ năng quản trị.
Mở rộng ra, định luật chỉ ra một sự thật sâu sắc về cuộc sống: rất hiếm ai biết rõ họ đang làm gì. Kể cả cha mẹ, sếp, người nổi tiếng, hay những người trông có vẻ hoàn hảo, chính họ cũng đang vật lộn với những bất an, sai lầm và lựa chọn mù mờ như tất cả chúng ta.
Định luật phản ánh một chân lý thú vị, khi ta còn trẻ hoặc thiếu tự tin, ta thường chờ ai đó chỉ đường, phê duyệt hoặc xác nhận lựa chọn của mình. Ta nghĩ: "Chắc họ biết rõ hơn mình" và vì vậy ta trì hoãn, do dự hoặc sống trong giới hạn do người khác đặt ra.
Khi hiểu được định luật Gilbert, ta nhận ra không ai nắm rõ toàn bộ cuộc chơi. Tự tin và hành động thường tạo ra kết quả thực tế hơn là chờ đợi sự hoàn hảo. Lãnh đạo thực sự không đến từ việc "biết hết", mà đến từ sự can đảm để hành động trong sự không chắc chắn.
Định luật Wilson
Định luật này nhấn mạnh: Hiểu biết không đủ để tạo ra thay đổi. Bạn có thể tiếp thu rất nhiều kiến thức, lời khuyên nhưng nếu bản thân hệ thống, tức là môi trường sống, thói quen, cách tổ chức, vai trò, quy tắc vẫn giữ nguyên, thì hành vi cũ sẽ tiếp tục lặp lại.
Ví dụ, bạn có thể đọc hàng chục cuốn sách về quản lý thời gian, xem podcast về động lực, thậm chí đi trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn dùng điện thoại tới 2h sáng, vẫn sống trong môi trường gây căng thẳng, không thay đổi cách phản ứng với cảm xúc, thì kiến thức kia không thể phát huy tác dụng.
Mở rộng ra, nếu bạn muốn cuộc sống thực sự khác đi, bạn phải dám thay đổi cấu trúc quanh mình, từ môi trường, thói quen cho đến mối quan hệ và cách phản ứng. Không thay đổi hệ thống thì mọi cố gắng cũng chỉ quay về chỗ cũ.
Định luật Falkland
Định luật Falkland nói khi bạn không bắt buộc phải ra quyết định, đừng vội đưa ra quyết định.
Định luật này nhấn mạnh giá trị của sự kiên nhẫn và khả năng trì hoãn hành động một cách có chủ ý. Trong thời đại mà mọi thứ diễn ra nhanh, ta thường cảm thấy áp lực phải phản ứng ngay lập tức: phải trả lời tin nhắn, phải chọn nghề, phải xác định mối quan hệ, phải đưa ra lựa chọn... Tuy nhiên, thực tế là nhiều quyết định không cần đưa ra ngay lập tức. Nếu bạn chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ thông tin, việc chờ đợi đôi khi lại là quyết định khôn ngoan nhất.
Trong quá trình đó, cần lưu ý rằng sự im lặng không phải lúc nào cũng là thụ động. Nó có thể là một dạng chủ động chờ đợi để hành động đúng lúc. Không hành động ngay lập tức không có nghĩa là trốn tránh, mà là cho bản thân thời gian để hành động đúng cách.
Thùy Linh (Theo Timesofindia)