Những ngày đầu xuân, Phan Tấn Lộc, 20 tuổi, sinh viên ngành y khoa vẫn cùng nhóm bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM băng rừng ở Lâm Đồng để "tìm rắn" chụp ảnh, tìm môi trường cho việc nghiên cứu rắn. Với niềm đam mê rắn từ nhỏ, đến nay Lộc đang phụ trách việc giải cứu rắn của nhóm chuyên nghiên cứu loài bò sát này ở các cánh rừng phía Nam.
Lộc cho biết khi còn rất nhỏ, từ những lần theo chân anh trai đi bắt rắn ở các lô cao su và ruộng lúa, lần đầu nhìn thấy loài bò sát này ngoài tự nhiên cậu đã tò mò và muốn tìm hiểu thêm về nó. "Dần dần tôi thấy rắn không thực sự đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ", Lộc nói, cho biết quá trình tìm hiểu, cậu nhận ra sự quan trọng của rắn trong việc cân bằng sinh thái, ảnh hưởng sâu rộng đến "sức khỏe" của cả khu rừng, cánh đồng và cả môi trường sống của con người.
![Lộc tìm hiểu tập tính rắn hổ mang trong một lần đi rừng. Ảnh: Lam Jiang](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/28/anh-8-1738059530-4943-1738073922.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZfcXPNCjOKd1Ym9VkZ4lYg)
Lộc tìm hiểu tập tính rắn hổ mang trong một lần đi rừng. Ảnh: Lam Jiang
Vào đại học, Lộc sắm cho mình chiếc máy ảnh chuyên nghiệp bắt đầu hành trình băng rừng tìm rắn. Lúc đầu chỉ là những cánh rừng gần TP HCM, sau đó dần dần, Lộc có thể chạy 500 hay 700 km để lên Lâm Đồng, Đăk Lăk... để "tìm rắn", tìm hiểu môi trường sống, tập tính của nó.
Ngoài dụng cụ tác nghiệp chụp ảnh, những chuyến "săn ảnh rắn" của Lộc luôn đi cùng nhóm bạn cùng sở thích, kiểm lâm hoặc các chuyên gia của khu rừng. "Đồ bảo hộ, đèn pin, que bắt rắn... là vật bất ly thân vì các chuyến săn rắn thường diễn ra vào buổi tối", Lộc cho biết.
Với đam mê rắn, việc chạy xe máy 500 km khi nghe có một loại rắn lạ, hay hiếm gặp là chuyện bình thường với Lộc. Có lần nghe tin người dân đi hái nấm phát hiện một con rắn hổ mang chúa đang nằm bảo vệ ổ trứng, cậu liền phóng xe lên ngay vì chưa từng thấy việc này. "Tuy nhiên khi lên đến nơi, rắn mẹ đã bỏ đi, chỉ còn ổ trứng mà thôi", Lộc kể kỷ niệm tiếc nhất trong việc "săn rắn" của mình.
Cùng chung đam mê, Nguyễn Hoàng Lĩnh, 29 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM - cộng tác viên Viện sinh thái miền Nam cũng là người "quen mặt" với các chuyên gia bò sát ở các khu bảo tồn, rừng quốc gia.
![Lĩnh trong một lần thả trăn đất từ TP HCM về Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/28/anh-10-1738059796-6808-1738073922.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=id0ROWn2k9hAGR-qj8NDtw)
Lĩnh trong một lần thả trăn đất từ TP HCM về Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai năm 2024. Sau một tháng, kiểm lâm phát hiện con trăn này cách vị trí thả chừng 10 km. Ảnh: Tấn Lộc
Theo anh Lĩnh - trưởng nhóm Viet Snake Rescuer (nhóm cứu hộ rắn Việt) việc soi rắn thường buổi tối do dễ gặp hơn ban ngày. Ban đêm, đa số rắn phục kích săn mồi hoặc nằm ngủ nên dân "tìm rắn" để chụp ảnh dễ thấy, trong đó có nhiều loại rắn quý hiếm. Chẳng hạn như loài rắn lục thường nằm yên một chỗ chờ mồi nên khi biết khu vực nó hay xuất hiện nếu chú ý quan sát sẽ thấy.
Để săn rắn, nhóm thường phải băng rừng 5-10 km. Khu vực gần suối là nơi rắn hay xuất hiện nên nhóm thường lui tới, thời gian lý tưởng nhất là từ 18h đến 0h hôm sau. "Với dân chụp ảnh rắn thì động vật không sợ mà sợ đi lạc, vì có nhiều khu rừng mới, mê quá có khi đi lạc mà không hay", Lĩnh nói.
Từ những lần đi chụp ảnh rắn trong rừng, ba năm trước, Lĩnh, Lộc cùng một số bạn khác đã thành lập nhóm Viet Snake Rescuer chuyên giải cứu rắn. Mục tiêu của nhóm không chỉ bảo vệ loài rắn mà còn truyền thông để cộng đồng hiểu rõ hơn về chúng. Hiện nhóm có 8 thành viên chính thức và khoảng 10 cộng tác viên thường xuyên.
Hai năm qua, nhóm của Lộc và Lĩnh đã giúp nhiều người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang chuyển hàng trăm con rắn về với rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, khoảng 200 rắn hổ mang từ những người đi rừng, hái măng, dược liệu, làm rẫy bắt gặp... rồi liên hệ nhóm nhờ hỗ trợ.
![Nhóm Lộc dẫn các bạn trẻ đi khám phá rừng đêm, săn ảnh rắn. Ảnh: Tấn Lộc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/28/anh-7-1738058574-3394-1738073922.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oiLsi_fLD7jU2E5f70fVNA)
Nhóm Lộc dẫn các bạn trẻ đi khám phá rừng đêm, săn ảnh rắn tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Tấn Lộc
Theo anh Lộc, thường những người gọi điện hay báo tin về rắn điều đã mô tả và chụp ảnh từ trước nên khi đến nơi nhóm đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Trong khi đó, việc thả rắn cũng được các khu bảo tồn, rừng quốc gia tạo điều kiện đồng hành nên công việc diễn ra khá thuận lợi.
"Có lần đang ngồi uống nước bên đường, tôi nghe nhiều người hò hét vì phát hiện rắn trong ôtô. Họ định dùng gậy đập chết rắn nhưng nhóm đã can thiệp kịp, bắt nó thả về rừng", anh Lộc kể.
Song song với việc giải cứu rắn, nhóm của Lộc cũng thu nhận các trứng rắn về ấp nở, sau đó thả về lại rừng. Nhóm cũng đẩy mạnh việc truyền thông, giải thích cho mọi người hiểu rắn không phải là mối đe dọa lớn, cách xử lý an toàn khi gặp rắn, chia sẻ về rắn và sơ cứu khi bị rắn cắn ở các trường học.
Ngoài việc giải cứu rắn, Viet Snake Rescuer còn phối hợp các khu bảo tồn, rừng quốc gia đưa du khách tham quan chụp ảnh tìm hiểu về các loài bò sát, đặc biệt là rắn. Hiện nhóm chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tham quan ở Hòn Sơn (Kiên Giang), Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, chân cầu Long Biên, dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai).... "Từ những chuyến đi đó, nhiều người đã hiểu hơn về rắn, từ sợ hãi đã biết cách giữ an toàn và yêu quý loại bò sát này hơn", anh Lộc nói.
Phước Tuấn