Buổi đầu tiên của lớp nấu ăn ở huyện Chương Mỹ, Huy Vũ được học cách luộc, chặt gà. Lần đầu sơ chế gà, anh nói lúng túng khi lấy nội tạng, gượng gạo lúc buộc "cánh tiên".
Đến bước bày biện, Vũ hì hục cắt tỉa hoa hồng bằng cà chua như thầy dạy. Thay vì rón rén chặt, anh thử dùng lực mạnh để chia nhỏ các bộ phận. Từng miếng ức, đùi, cánh, đầu được chặt dứt khoát, da không rời khỏi thịt lần lượt xếp lên đĩa để tạo hình ôm tròn. Nhìn thành quả sau gần hai tiếng, anh nói "không khác gì ở nhà hàng cao cấp".
Chàng trai 23 tuổi quê Thanh Hóa từng không thích việc bếp núc. Nếu mẹ vắng nhà, Vũ chỉ nấu vài món luộc, hấp cơ bản. Hôm nào có cỗ, anh nhận sơ chế thực phẩm, riêng phần xào nấu đều nhờ bố mẹ.
![Lê Huy Vũ (tạp dề sọc trắng đen) học cách gói nem hải sản trong lúc chờ gà luộc chín tại lớp học nấu ăn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chiều 19/1. Ảnh: Nga Thanh](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/20/z6248031036205-974ffca96d74f91-1145-9248-1737386235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kssYrQJ_qEsCE6DJi-qRvw)
Lê Huy Vũ (thứ hai, bên phải) học cách gói nem hải sản trong lúc chờ gà luộc chín tại lớp học nấu ăn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chiều 19/1. Ảnh: Nga Thanh
Cùng lớp với Vũ, Hoàng Văn Bình từ Lạng Sơn xuống Hà Nội để kịp lớp học làm gà, nấu nem hải sản, súp lơ xào nấm.
Chàng trai 22 tuổi nói sắp đến Tết nên muốn học cách nấu một số món ăn truyền thống cho gia đình. Nhiều lần thấy mẹ một mình dưới bếp, Bình muốn giúp nhưng sợ sai, mẹ lại thêm việc.
Trong các món ăn được đầu bếp dạy, anh nói khó nhất là cách gói nem bởi phải cuốn sao cho nem tròn, đều. Sau phải học cách phân biệt các loại bột như bột năng, mì, bột chiên giòn... được cân đo theo tỷ lệ để tạo lớp "áo phủ bên ngoài nem" không quá đặc hay loãng.
"Tôi cứ ngỡ gói nem đơn giản nhưng giờ mới hiểu có rất nhiều yêu cầu và công đoạn", Bình nói.
Riêng với kỹ năng chặt gà, anh thử học theo các video trên Internet nhưng lúc thành công, khi thất bại. Chỉ khi được giáo viên hướng dẫn, Bình mới hiểu rõ quy trình và thực hiện thuần thục sau vài lần luyện tập.
![Hoàng Văn Bình từ Lạng Sơn xuống Hà Nội học cách luộc, chặt gà đẹp mắt tại lớp đào tạo kỹ năng ở huyện Chương Mỹ, chiều 19/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/20/z6248031065790-169cfb4575cef2e-4975-9929-1737386235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cyn6obtQ2qZ1Jzdk_VXqxg)
Hoàng Văn Bình từ Lạng Sơn xuống Hà Nội học cách luộc, chặt gà đẹp mắt tại lớp đào tạo kỹ năng ở huyện Chương Mỹ, chiều 19/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Đầu bếp Ngô Doãn Lệnh, giảng viên ẩm thực trung tâm L.Q.T Kitchen (Hà Đông, Hà Nội), cho biết từ đầu tháng Chạp bắt đầu mở các lớp dạy nấu món Tết cho người có nhu cầu. Trung bình một tuần anh mở ba lớp, mỗi khóa có 7-10 học viên, kéo dài 2-3 buổi.
Hầu hết học viên đều yêu cầu dạy nấu các món truyền thống như gói bánh chưng, luộc gà, cuốn nem, làm thịt đông cho đến các món xào, nấu có trong mâm cỗ cổ truyền miền Bắc. Học phí đào tạo cách làm 8-10 món dao động 5-7 triệu đồng cho một khóa.
Người đăng ký học đông nhưng đáng chú ý là năm nay có 15% là nam giới, chủ yếu trong độ tuổi 22-35 tuổi.
Theo đầu bếp Lệnh, đa phần nam giới đăng ký học nấu cỗ vì muốn tự làm những món ăn truyền thống giúp đỡ bố mẹ, vợ con. Một số muốn tìm hiểu về nguồn gốc các món ăn truyền thống và cách chế biến.
"Là lý do gì thì việc nam giới vào bếp học nấu ăn cũng rất đáng khen, giảm bớt công việc cho chị em phụ nữ mỗi dịp lễ Tết", anh Lệnh nói.
Tuy nhiên, đào tạo nam giới khó khăn hơn phụ nữ. Như gói nem rán, học viên phải luyện thuần thục kỹ năng cuốn đều tay, tròn và rán không bị nứt. Hay bài cắt tỉa hoa quả lại cần sự tỉ mỉ, khéo léo, tính kiên trì cao cùng kỹ năng sử dụng thành thạo dao, kéo. Những kỹ năng này hầu hết nam giới chưa từng thực hiện.
Nam đầu bếp cho biết các khóa dạy nấu cỗ Tết cho người có nhu cầu xuất hiện khoảng 5-6 năm trước, nhưng khoảng 1-2 năm gần đây mới đông nam giới đăng ký học. Nhu cầu học đông nhưng do kín lịch, anh nhiều lần phải từ chối.
Từng chia sẻ trên VnExpress, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, trưởng khoa Văn hóa học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết sự nở rộ các lớp nấu ăn và workshop dành cho Tết là tín hiệu đáng mừng từ nhu cầu hướng về truyền thống của người trẻ.
Những năm gần đây, nhu cầu này thể hiện qua cách họ chọn cổ phục, áo dài để chụp ảnh, dạo phố, quan tâm và thảo luận về Tết truyền thống. Do vậy, việc người trẻ mong muốn được tự cắm hoa Tết, nấu các món như thịt kho trứng, bánh tét, dưa muối, củ kiệu hay giò đông là dễ hiểu.
Ông Thơ cho rằng các lớp học nấu cỗ tạo điều kiện để người trẻ biết thêm về sự đa dạng văn hóa. Ví dụ mâm cỗ miền Bắc tinh tế, nhiều chi tiết cầu kỳ, miền Nam tương đối giản dị và gắn liền với đời sống hơn.
Không ngại định kiến "bếp núc là việc của phụ nữ" Lý Nhật Minh, 23 tuổi ở Lào Cai đăng ký khóa học nấu cỗ ngắn ngày.
Trước đây Minh chỉ biết nấu các món ăn cơ bản bởi công việc bận rộn. Nay tranh thủ ngày sát Tết, anh tham gia khóa học nấu ăn để cải thiện kỹ năng tạo dáng gà cánh tiên, tỉa hoa trang trí hay xào nấu các món ăn khó.
Sau khóa học, Minh nói sẽ rèn luyện nâng cao tay nghề để trổ tài nấu nướng cho người thân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Quỳnh Nguyễn - Nga Thanh