Tại Hải Phòng, anh Bình An ở phường Việt Hòa bắt đầu gia cố mái che quanh nhà từ chiều 20/7, ngay khi có tin bão.
Anh đánh chiếc xe tải nặng hàng chục tấn vào giữa sân, dùng dây thừng lớn, một đầu buộc chặt vào các góc của khung sắt mái tôn, đầu còn lại ghì chặt vào thành xe tải. Cách làm này biến chiếc xe thành một "mỏ neo" vững chãi, hy vọng giữ được mái che vừa mới làm.
Anh An giải thích việc tạo sức nặng và độ chống chịu chắc chắn cho hệ thống khung sắt và mái tôn được rút kinh nghiệm từ trận bão Yagi năm ngoái. Trước đó, do không có biện pháp phòng chống nên khi bão vào, toàn bộ phần mái tôn của gia đình bị tốc và bay mất, tốn hàng chục triệu đồng làm lại. Cẩn thận hơn, anh dùng bút xóa ghi tên và số điện thoại lên từng tấm tôn để nếu có bị bay mất, việc tìm kiếm thuận tiện hơn.
"Từ bài học xương máu đó năm nay tôi phải gia cố từ sớm, hy vọng toàn bộ phần mái tôn vừa làm không bị thổi bay", anh An nói.

Anh Bình An dùng dây thừng cố định xe tải với mái tôn của gia đình tại phường Việt Hòa, TP Hải Phòng hôm 20/7, hy vọng không bị tốc bay khi bão đổ bộ. Ảnh: Bình An
Nỗi ám ảnh về số tiền gần 500 triệu đồng để sửa chữa xưởng ôtô sau trận bão Yagi năm ngoái khiến vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà ở xã Thanh Miện, TP Hải Phòng chống bão từ sớm.
Theo lời chị Hà, garage ôtô của gia đình nằm ở mặt đường quốc lộ, vị trí trống trải, hút gió. Năm ngoái, nghe tin bão Yagi sẽ suy yếu khi vào đất liền, vợ chồng chị đã chủ quan, chỉ đóng cửa xưởng mà không gia cố.
"Nhưng khung cảnh tan hoang hôm sau khiến tôi chết lặng", chị Hà nhớ lại.
Gió đã giật sập toàn bộ 500 m2 mái tôn và biển hiệu, xé toạc các vách tôn xung quanh. Nước mưa trút xuống làm hư hỏng nặng nhiều máy móc, đồ đạc. Tổng thiệt hại gần 500 triệu đồng khiến gia đình chị kiệt quệ.
Năm nay vợ chồng chị huy động công nhân dỡ bỏ toàn bộ biển hiệu từ sớm. Sau khi đưa hàng chục lốp xe tải hạng nặng, container cũ lên mái từ sáng 20/7, khi đã nghiên cứu các mẹo chống tốc mái trên Internet. Họ cũng xếp lốp xe xen kẽ với các túi nylon dày chứa đầy nước, tạo thành một hệ thống dằn mái, tăng sức nặng lên toàn bộ 500 m2 mái tôn. Mọi ôtô đang sửa trong gara cũng được gấp rút hoàn thiện trong chiều 21/7, kịp bàn giao cho khách trước khi bão đổ bộ. Trước khi đóng xưởng, vợ chồng chị cũng mua nhiều thanh sắt lớn, gỗ để chặn vào hệ thống các cửa, tránh gió lùa.
"Trước khi thực hiện chúng tôi cũng kiểm tra độ nặng của từng lốp xe, đảm bảo không bị bay khi bão về", chị Hà nói.
Công nhân tại xưởng sửa chữa ôtô của vợ chồng chị Hà đang vận chuyển lốp ôtô lên mái tôn, trước khi xếp cùng với các túi nilon nước lớn để tránh tốc mái, sáng 20/7. Nguồn: @HaKhang8386
Tại Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, anh Xuân Thắng, 33 tuổi, không đặt các túi nilon chứa nước, bao tải cát lên mái nhà. Thay vào đó, anh đặt hai thanh sắt dài chạy song song theo chiều dài mái, bắn vít cố định, nhằm kẹp chặt các tấm tôn ở giữa. Cuối cùng, anh dùng dây cáp luồn qua hai đầu thanh sắt và dùng tăng đơ kéo căng, néo chặt xuống nền đất.
Anh Thắng cho rằng, việc dùng bao cát, túi nước chèn mái tôn khá phổ biến nhưng phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gió lớn có thể đánh bật các bao tải, gây nguy hiểm nếu rơi xuống đường hoặc làm vỡ các túi nilon chứa nước. Vì vậy, anh chọn giải pháp an toàn hơn là dùng thanh sắt nẹp chặt mái tôn từ cả phía trên và dưới.
"Cách này vừa hiệu quả, chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng, lại đỡ mất công chuẩn bị mỗi khi có bão", anh nói.
Anh Xuân Thắng ở Quảng Ninh chia sẻ mẹo cố định mái tôn không cần đặt túi nilon nước, bao cát. Nguồn: @autoxuanthang
Trên mạng xã hội, các hội nhóm cũng sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm chống bão. Nhiều mẹo được đưa ra, từ dán băng keo lên cửa kính, đặt bao cát, túi nước lên mái đến việc dùng bạt quấn ôtô và chèn thêm xốp chống va đập. Dưới bài viết, không ít người cho biết đã học theo, hy vọng giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ.
Gia đình chị Nguyễn Duyên, 32 tuổi ở xã Kiến Minh, TP Hải Phòng không ngoại lệ. Toàn bộ giàn hoa treo ngoài hiên được chị hạ xuống cất vào nhà. Những chậu cây cảnh lớn không thể di chuyển thì được đặt nằm xuống sân để giảm tiết diện cản gió. Riêng với ôtô, vợ chồng chị không chỉ dùng bạt trùm kín mà còn chèn thêm các tấm xốp dày quanh thân xe, đề phòng các vật thể lạ hoặc mái tôn bay va vào gây hư hỏng phương tiện.
"Giờ làm được gì gia đình tôi đều đã thực hiện hết, phòng còn hơn chống, hy vọng bão sẽ suy yếu khi đổ bộ", chị Duyên nói.

Vợ chồng chị Duyên ở TP Hải Phòng phủ bạt ôtô vào tối 20/7, trước khi dùng các tấm xốp dày quanh thân xe vào sáng hôm sau. Ảnh: Nguyễn Duyên
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 21/7, tâm bão số 3 cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 15-20 km/h.
Từ đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Dự báo trong ba ngày 21-23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 600 mm, nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất và ngập úng.
Quỳnh Nguyễn