Trong thư gửi tới VnExpress.net, độc giả Bùi Quang Sơn kể lại hành trình tìm kiếm taxi trong đêm 16/7 kèm nỗi mệt mỏi tích tụ từ trước vì chuyến bay của anh trễ hai tiếng so với hành trình. Xuống sảnh tìm xe với mong muốn về nhà càng nhanh càng tốt, nhưng cả sân chỉ vài ba chiếc. Tài xế vì thế cũng chảnh hơn ban ngày. Họ không chịu chở ngay, mà hỏi từng khách xem đi về đâu. Đường không quá xa, khách trả cao, họ mới chạy.
"Trời mưa, xe ít nên nhiều người không có lựa chọn nào khác, phải chấp nhận cái giá mà tài xế đưa ra", anh kể.
Chán nản, anh Sơn quyết định bấm máy gọi lên tổng đài của một hãng taxi nổi tiếng, nhưng cũng không có xe đi ngay, tài xế cho biết phải chờ lâu mới tới. Cuối cùng, chỉ có một taxi "dù" chịu chở anh và những người đi cùng với cái giá đắt gấp đôi bình thường. Mất hai tiếng rưỡi sau anh mới về tới nội thành sau hành trình dài tìm xe.
Lâu nay nhiều hành khách cũng dễ gặp phiền toái khi bắt taxi sân bay tại Nội Bài lúc nửa đêm. Xe chính hãng ít nên được dịp các loại xe dù làm khó người đi. Hiện nay, khách bay đêm ngày một nhiều hơn vì giá rẻ. Khách nhiều mà nguồn cung ít, cánh tài xế càng có cơ hội làm giá khi tâm lý chung ai cũng muốn về nhà sớm sau khi bay đêm.
Cách đây không lâu, Hồng Thư, nhân viên văn phòng ở một công ty truyền thông đi taxi từ Nội Bài về Hà Nội lúc 23h. Cũng đi xe hãng có tên tuổi hẳn hoi, nhưng Thư vẫn bị tài xế xin thêm mấy chục nghìn đồng khi về gần đến nhà.
"Đã thỏa thuận giá về tận nhà xong xuôi, nhưng khi gần về đến nhà, tài xế nhất định một là thả mình xuống giữa phố, hoặc là mình phải chi thêm 50.000 đồng để được đưa vào tận nhà ở trong ngõ", Thư kể.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Đặng Xuân Cử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nasco cho biết đã nhiều lần nhận những phản ánh tương tự về tình trạng taxi đêm. Nasco là đơn vị chủ quản của Taxi Airport.
"Chúng tôi đã xử lý không biết bao nhiêu trường hợp taxi bỏ trực", ông Cử cho biết. Ngoài ra, ông cho biết tài xế chạy đêm còn phát sinh nhiều tiêu cực khác nữa như vòi thêm tiền, chạy vòng vo.
Hiện nay, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đều có quy định cụ thể cho từng hãng, yêu cầu ký cam kết đảm bảo đủ số lượng xe vào buổi đêm. Ví dụ như với Công ty Mai Linh, tổng cộng có 200 xe hoạt động thường xuyên ở Nội Bài, thì hằng đêm có khoảng 30 xe phải túc trực tại đây.
"Quy định của chúng tôi là taxi phải trực từ 11h đêm đến khi nào hết chuyến bay, kể cả khi chuyến bay bị chậm cũng phải chờ", ông Đào Vũ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Mai Linh miền Bắc cho biết. Theo ông, những tài xế nào bỏ trực sẽ bị phạt nặng.
Riêng với vấn nạn xe dù, các nhà quản lý đã mạnh tay xử lý nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn. Buổi đêm, xe hãng ít hơn nhiều lần so với ban ngày, do đó taxi dù có đất để hoạt động. Nhiều xe dù sẵn sàng đi với giá rẻ, 150.000 đến 200.000 đồng để về nội thành vì họ còn trống xe sau khi chở khách lên sân bay. Nhưng cũng có trường hợp bắt chẹt khách nước ngoài, những người không thông thạo đường xá với giá cắt cổ.
Theo một báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải vào tháng trước, trong 5 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã xử lý 273 vụ vi phạm về hoạt động taxi, 59 trường hợp cò mồi, 35 lượt xe "dù" ở sân bay Nội Bài.
Hiện nay, có 7 hãng taxi được cấp phép hoạt động tại sân bay Nội Bài, bao gồm Nội Bài Taxi, Đại Nam, Taxi Airport, Việt Thanh, Mai Linh, Taxi Group. Tùy theo hãng, số lượng xe đăng ký hoạt động dao động từ 100 đến 500 chiếc. Tuy nhiên, số lượng đầu xe chạy thực tế thường ít hơn nhiều, nhất là khi khách đi Nội Bài bằng taxi ngày càng giảm.
Thanh Bình