Năm 1995, đoàn phim chúng tôi có cuộc phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp theo yêu cầu của đạo diễn Phạm Khắc cho phim "Nữ tướng Nguyễn Thị Định".
Tại nhà riêng ở số 30 Hoàng Diệu, sau khi hỏi ấn tượng của ông về bà Định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chị Ba Định là người phụ nữ Nam bộ dịu dàng nhưng rất cương trực, dũng cảm. Ở cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Sau phần nói về nữ tướng Nguyễn Thị Định, cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Đại tướng có phần thoải mái hơn và nhân cơ hội này chúng tôi hỏi thêm những câu ngoài dự kiến:
- Với ông, khó khăn nhất của vị tướng ngoài mặt trận là gì? Cụ thể là trong chiến dịch Điện Biên Phủ?
- Khó khăn của tôi lúc đó là ra quyết định. Khi mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ trương của trung ương và nhiều người là “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Lúc đó chúng tôi đã huy động hết lực lượng bộ binh, pháo binh sẵn sàng chiến đấu. Vì đây là trận quyết chiến chiến lược nên tôi đã dành nhiều công sức và thời gian để suy nghĩ làm thế nào để không bị thất bại trong trận này. Và tôi quyết định phương án “Đánh chắc, thắng chắc”. Một số người lúc đó, kể cả chiến sĩ đã nghĩ rằng tôi đã chùn bước trong trận chiến quyết định này.
- Khi nghe tin chiến thắng thì ông làm gì?
- Khi trận đánh cứ điểm Điện Biên Phủ thắng lợi, từ trên đồi cao tôi đã nhìn thấy các chiến sĩ ta vui mừng nhảy múa, bắn súng lên trời. Tôi biết là đã thắng lợi rồi đây. Tôi đã liên lạc cho tướng Lê Trọng Tấn, đề nghị phải kiểm tra kỹ có phải quân ta đã bắt được tướng De Castry có chính xác chưa. Anh Tấn trả lời đã kiểm tra kỹ giấy tờ của viên tướng này.
Tôi yên tâm và suốt đêm hôm đó tôi không ngủ, trong đầu luôn nhớ về những chiến sĩ cấp dưới của mình, họ đã hy sinh nhiều quá. Tôi là tướng phải có tầm nhìn xa, thời gian dài để lên kế hoạch chiến đấu, còn những chiến sĩ cấp dưới của tôi phải tác chiến trực tiếp với kẻ địch nên họ đã hy sinh nhiều lắm.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để đất nước được hòa bình thống nhất, có biết bao đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, có biết bao công lao của những người mẹ, của những thế hệ lãnh đạo đã khuất. Công lao đóng góp của tôi cũng có nhưng chỉ là một giọt nước trong biển cả mà thôi.
Thật hiếm thấy có một vị tướng nào có đầy tính nhân văn và có nhiều tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ của mình như ông.
Làm phim tài liệu là cơ hội tốt nhất giúp chúng tôi gặp được nhiều người, đi được nhiều nơi, trong cũng như ngoài nước. Tôi đã gặp nhiều văn nghệ sĩ và những nhân vật khác, tất thảy họ đều có tình cảm sâu sắc với Đại tướng.
Ca sĩ Trần Hiếu mỗi lần biểu diễn ở nước ngoài đã kể lại rằng khi đứng trên sân khấu ông luôn nhận được tình cảm nồng nàn của khán giả. Họ thường hô vang tên của hai người đó là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Và cứ mỗi lần chứng kiến cảnh ấy thì nhạc sĩ thấy rất vinh dự và tự hào dâng trào trong nước mắt.
Họa sĩ Lê Lam, người đã xung phong về Miền nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ gần 10 năm, có trong tay hàng ngàn bức tranh phản ánh chân thực về cuộc sống, chiến đấu của dân quân Miền Nam. Khi trở về Hà Nội, ông dành thời gian để vẽ chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức chân dung tuyệt đẹp này chúng tôi đã ghi vào phim “Vị tướng của dân”.
Cũng trong quá trình làm phim, chúng tôi gặp được một người khá nổi tiếng, một đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Người đã cùng một số đồng đội tự đứng ra làm cuộc đảo chánh, chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ngày 11.11. 1960. Đó chính là ông Phan Lạc Tuyên.
Cuộc đảo chánh không thành, ông và những người bạn chạy sang Campuchia, sau đó ông vào rừng tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng MNVN. Ông kể câu chuyện khi còn phục vụ trong chế độ Sài Gòn: “Tôi thường đến thư viện để đọc những tác phẩm của những nhà cách mạng trong nước và thế giới, trong đó có sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bằng tiếng Pháp. Những gì đại tướng viết trong sách đã thu phục tôi và sau đó tôi quyết đi theo con đường cách mạng đưa nước nhà đến hòa bình thống nhất”.
Trong phim chúng tôi thu được lời của đại tướng khi nói về Bác Hồ: “Bao nhiêu năm sống gần với Bác Hồ tôi chưa bao giờ nghe Bác than năm nay trời nóng, hoặc năm nay trời rét. Có lẽ do Bác đã trải quá nhiều gian khổ trên con đường cách mạng nên lúc nào cũng ung dung tự tại”.
Khi quan sát về đại tướng chúng tôi đã hiểu phần nào tình cảm của ông với Bác Hồ thật cao đẹp và trong sáng như pha lê. Và cũng dễ hiểu vì sao nhân dân Việt Nam và trên thế giới đều quý mến và kính trọng Bác Hồ và Võ Nguyên Giáp.
Xã hội hiện nay có nhiều người cho rằng đã thoái hóa về lý tưởng, đạo đức và lối sống. Đối với cá nhân tôi, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mất mát lớn nhưng nhìn dòng người dân ở Hà Nội sau khi hay tin ông mất đã tự nguyện mang hoa tới viếng, đứng ngoài cổng dài hơn một cây số, nhiều người dân thường, cựu chiến binh, học sinh … chờ được vào thắp nhang để tỏ lòng kính trọng đối với một thiên tài về cõi vĩnh hằng vẫn thấy đạo lý "uống nước nhớ nguồn" còn đó.
Nhìn lướt qua các trang mạng xã hội trên internet, hàng ngàn lời ngưỡng mộ, chia buồn và chắc chắn là của giới trẻ, những hình ảnh người dân ở quê ông tự nguyện đến dọn dẹp, sửa sang tại ngôi nhà thờ tổ dòng họ Võ khi nghe tin ông sẽ về yên nghỉ tại quê hương Quảng Bình đã cho tôi một cảm nhận: lòng tin của quần chúng nhân dân và lớp trẻ vào sự đúng đắn của cuộc giải phóng dân tộc và sự chân chính của những cán bộ cách mạng.
Tưởng nhớ tới đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại của mọi thời đại, tôi luôn tự hào vì mình đã may mắn được ông dành thời giờ để chúng tôi được hỏi chuyện, được làm phim “Vị tướng của dân". Tôi tin rằng những người có công với dân tộc, với đất nước sẽ được nhân dân tôn thờ, kính trọng đến muôn đời sau.
Chia sẻ bài viết, câu chuyện, hình ảnh của bạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây