Thứ tư, 21/5/2025
Thứ hai, 12/5/2025, 12:29 (GMT+7)

Nhịp sống Hà Nội từ thập niên 1980 đến nay qua ảnh

Nhiếp ảnh gia William E. Crawford chụp con ngõ ở Hà Nội năm 1986, còn nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo ghi lại buổi sáng mùa xuân năm 2004.

Mọi người sắm cành đào, chuẩn bị đón năm mới qua bức Tết Hàng Lược (1989) của nhiếp ảnh gia Pháp Nicolas Cornet. Ông đến Hà Nội lần đầu năm 1987, ấn tượng với không khí đẹp và yên bình nơi đây. Ông cho biết ''luôn thích thú quay lại thủ đô''.

Hình ảnh của Nicolas Cornet được trưng bày ở triển lãm Hà Nội ơi, diễn ra ngày 10-18/5 tại Hanoi Studio Gallery, số 23-25 Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội. Ngoài Nicolas Cornet, sự kiện giới thiệu loạt tác phẩm của tám nhiếp ảnh gia gồm William E. Crawford, Nguyễn Hữu Bảo, Hoài Linh, Đồng Hiếu, Lê Anh Dũng, Lê Xuân Phong, Ngô Lâm Thanh, Vũ Khôi Nguyên. Qua đó, người xem được nhìn lại phố phường, con người Hà Nội trong gần 40 năm nay.

Tác phẩm Ngõ Bảo Khánh (1986) của William E. Crawford.

Ông 76 tuổi, là một trong những nhiếp ảnh gia phương Tây đầu tiên đến miền Bắc Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc (1975), theo The Guardian. Năm 1985, ông đến Hà Nội cùng bốn cựu binh Mỹ, bắt đầu chụp hình từ đó đến năm 2015. Crawford thường ghi lại sự giao thoa kiến trúc, cảnh quan đô thị, ngoại thành và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

William E. Crawford chụp một căn nhà mang kiến trúc cổ ở số 57 Hàng Bồ (1991).

Các bức ảnh của ông tại triển lãm nằm trong cuốn Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Phố Hà Nội 1985-2015. Những năm tháng lãng quên), phát hành năm 2018.

Crawford lưu lại hình ảnh hai bà cháu trước ngôi nhà số 67 Triệu Việt Vương (1991).

Tại buổi triển lãm tư liệu của ông hồi tháng 4/2023, Crawford Junior - con trai tác giả - cho biết bố mình đã yêu Hà Nội từ lần đầu tiên đến. Ông trở lại Việt Nam nhiều lần để ghi lại sự thay đổi của Hà Nội qua 5, 10 và 15 năm.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo trưng bày các bức đen trắng. Trong ảnh là tác phẩm Phủ Tây Hồ sau ngày mưa rào, được ông thực hiện năm 2000.

Hơn 50 năm cầm máy, ông chủ yếu chụp thủ đô và làng quê Việt Nam. ''Sống ở lòng phố cổ từ tấm bé, trải qua bao giai đoạn đổi thay nhưng Hà Nội trong hình ảnh của tôi đi tìm chỉ đượm màu thời gian. Một Hà Nội không trang điểm", ông nói.

Nguyễn Hữu Bảo chụp bức Sáng mùng 1 Tết Âm lịch năm 2004, ghi lại khung cảnh vắng vẻ trên cầu Long Biên cùng làn sương dày đặc.

Hình ảnh chợ hoa quả dưới chân cầu Long Biên năm 1998 qua ống kính của Vũ Hoài Linh. Mọi người sử dụng thuyền gỗ có mái che để chở hàng, đi từ thuyền xuống bờ trên một tấm gỗ dài.

Tác phẩm Sông Hồng mùa nước cạn (2001) của Vũ Hoài Linh. Anh 58 tuổi, yêu thích phong cách chụp ảnh đường phố. Giai đoạn 1994-2004, anh tập trung ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống của người dân tại Hà Nội.

Khung cảnh nên thơ ở bức Đường ven Hồ Tây, cây ban trắng, ban đỏ (2023) của nhiếp ảnh gia Ngô Lâm Thanh. Tác giả 52 tuổi, nghề nghiệp chính là kỹ sư cơ khí, theo đuổi nhiếp ảnh khoảng 20 năm.

Ngô Lâm Thanh giới thiệu hình ảnh quán nước vỉa hè Hà Nội dịp năm mới trong tác phẩm Thấy đào là thấy Tết (2/2024).

Nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu chụp xe bán kem ở vỉa hè Hồ Gươm vào buổi tối.

Lê Anh Dũng tôn vinh nét đẹp của những người lao động qua ảnh. Tác giả 57 tuổi, dành tình yêu lớn cho nơi anh sinh ra và lớn lên. ''Hà Nội trở thành một phần máu thịt của tôi", anh cho hay.

36 hình ảnh tại triển lãm được tuyển chọn từ hơn 200 tác phẩm trong sách ảnh cùng tên, do Nicolas Cornet chủ biên, Nhà Xuất bản Thông tấn ấn hành, ra mắt hôm 10/5. Tác phẩm gồm năm phần: Nước, Sắc, Vị, Tính, Tình, phản ánh những khía cạnh đặc trưng của Hà Nội, từ nhiên nhiên, văn hóa, ẩm thực đến tính cách con người.

Ca khúc 'Nhớ về Hà Nội'
 
 

Ca sĩ Hồng Nhung hát ''Nhớ về Hà Nội" - một trong những bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết năm 1983. Video: Nhạc hay Việt Nam

Phương Linh
Ảnh: Nhân vật cung cấp