Ngày 18/7, Luminary - tập đoàn có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc khảo sát môi trường đầu tư tại Tây Ninh. Doanh nghiệp này cho biết mong muốn có thể đầu tư phát triển đô thị thông minh, khu sinh thái và công nghiệp tại tỉnh.
Đô thị thông minh là một trong những định hướng chiến lược của Tây Ninh bên cạnh công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại và kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tiếp đại diện Luminary, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình đầu tư, rút ngắn thủ tục đồng thời cung cấp quỹ đất chiến lược để phát triển dự án.

Tuyến đường kết nối TP HCM - Tây Ninh qua các khu công nghiệp, nhà máy, nhà xưởng. Ảnh: Hoàng Nam
Trước Luminary, một ông lớn khác là YCH từ Singapore cũng ký kết ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh. Tập đoàn này sẽ triển khai dự án logistics phức hợp tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài, đóng vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc, khơi thông dòng chảy hàng hóa qua cửa khẩu.
Tập đoàn YCH có 70 năm kinh nghiệm cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp đa quốc gia. Doanh nghiệp này cho biết sẽ tạo điều kiện cho các sản phẩm Tây Ninh tiếp cận thị trường Singapore và khu vực châu Á thông qua nền tảng thương mại điện tử YSG. Đơn vị cũng cam kết tích hợp các giải pháp như: năng lượng tái tạo, xe điện và sử dụng tín chỉ carbon... cho các dự án tại Tây Ninh, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Định hướng của YCH phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh. UBND tỉnh Tây Ninh cam kết hỗ trợ thông qua các chính sách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.

Giao thông Thủy trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua Tây Ninh. Ảnh: Hoàng Nam
Cùng tháng 7, tỉnh có thêm nhà máy quy mô lớn khi Coca-Cola khánh thành công trình với vốn đến 136 triệu USD. Đây là nhà máy lớn nhất của thương hiệu nước giải khát tại Việt Nam, quy mô 19 ha. Nhà máy gồm 5 dây chuyền chiết rót và đóng chai, tổng công suất lên đến 1 tỷ lít đồ uống mỗi năm.
Theo công bố, đây là nhà máy thực phẩm đồ uống đầu tiên đạt chứng nhận Công trình xanh LEED cấp độ vàng tại Việt Nam - phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Công trình sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, hệ thống làm mát và công nghệ tản nhiệt.
Lãnh đạo Tây Ninh cho biết việc đưa vào hoạt động nhà máy đóng góp về mặt kinh tế, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, logistics. Dây chuyền và các công nghệ cũng góp phần trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển giao kỹ năng và công nghệ.
Bên cạnh những doanh nghiệp trên, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư, kết nối hợp tác tại Nhật Bản, Trung Quốc; tiếp và làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài.
Tây Ninh (sáp nhập giữa tỉnh Tây Ninh và Long An cũ) có thế mạnh về phát triển công nghiệp, logistics nhờ vị trí kề cận TP HCM cùng hạ tầng giao thông thủy - bộ đồng bộ.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế, địa phương có 46 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là gần 14.000 ha. Trong đó, có 28 khu công nghiệp đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đang tiếp nhận nhà đầu tư với tổng diện tích đất được quy hoạch gần 8.000 ha.
Các khu công nghiệp trên địa bàn thu hút tổng cộng gần 2.500 dự án, trong đó, có gần 1.400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,4 tỷ USD và 1.088 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 173.546 tỷ đồng.
Tỉnh Tây Ninh sở hữu vị trí địa kinh tế chiến lược, đóng vai trò kết nối Đông - Tây Nam bộ và với Campuchia. Hiện tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, bao gồm các tuyến cao tốc liên vùng như TP HCM - Mộc Bài, Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM; phát triển giao thông thủy, cảng thủy nội địa dọc sông Vàm Cỏ Đông.
Hoài Phương