Ngày 24/6, thai phụ 27 tuổi nhập viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng mang thai lần hai, thai 37 tuần, nhau tiền đạo - tình trạng nhau không bám ở vùng đáy tử cung như thông thường, mà một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và gây băng huyết nặng sau sinh.
Kết quả khám lâm sàng và siêu âm, các bác sĩ xác định sản phụ bị nhau cài răng lược bám mặt bên trái tử cung, mép bánh nhau bám lan qua lỗ trong cổ tử cung, vô cùng nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi. Nhau cài răng lược dễ xảy ra ở các mẹ bầu bị nhau thai tiền đạo. Sản phụ lại từng có tiền sử mổ lấy thai, làm tăng nguy cơ chảy máu trước và sau mổ lấy thai.
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy thai và cắt tử cung bán phần, để lại hai phần phụ trong nhau cài răng lược cho bệnh nhân. Bé gái chào đời khóc to và phản xạ tốt, đuợc cho tiếp xúc da kề da với mẹ ngay trong khi mổ. Hiện tại sức khỏe của mẹ và bé ổn định.
![Bác sĩ mổ bắt con cho sản phụ.. Ảnh: BVCC](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2019/06/24/65057813-2503189996392355-8079-3941-9795-1561375511.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mlVLbZxYZzzUP4iUXwFr_A)
Bác sĩ mổ bắt con cho sản phụ. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Trần Thị Minh Lý, kíp phẫu thuật cho biết, sản phụ bị nhau cài răng lược nếu không được mổ bắt con kịp thời có nguy cơ cao tử vong cả mẹ lẫn con, mẹ không cứu được do mất máu nặng, con trong bụng cũng nguy hiểm tính mạng vì ngạt.
Bác sĩ khuyến cáo sản phụ cần thường xuyên khám thai tại bệnh viện, đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ để phát hiện sớm các tai biến thai kỳ như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, có biện pháp điều trị kịp thời và tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra trong quá trình sinh sản. Để phòng tránh, bà mẹ cần theo dõi thai định kỳ, hạn chế nạo phá thai với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Thúy Quỳnh