Khi viết những dòng này, tôi chợt nhận ra rằng tôi yêu và nhớ Việt Nam đến da diết, cháy bỏng.
Trước khi đi: Chị đồng nghiệp hỏi tôi.
- Em đi New Zealand à?
- Vâng ạ.
- Thành phố nào em?
- Em đi Wellington chị à.
- Vậy à, chuẩn bị tinh thần là sẽ có nhiều ngày “gió thổi bay cả con chó Nhật” đấy nhé.
- …
Tôi nghĩ: Sợ gì gió nhỉ (vì lúc đó còn đang háo hức).
Giờ nghĩ lại, Wellington được biết đến với biệt danh "thành phố của gió" Gió là đặc sản, chẳng sai, tuy nhiên tôi chưa chứng kiến “gió thổi bay con chó Nhật” nào nhưng chuyện mọi người không bước chân nổi hay ôm lấy cột đèn để khỏi bị gió thổi bay là chuyện thường ngày ở xứ sở này.
Tôi nhớ những ngày hè oi ả, thương những ngày xuân nồm ẩm ở miền Bắc, Việt Nam.
Năm đầu ở New Zealand
Những mẩu chuyện làm quen đầu tiên với bạn bè ở New Zealand.
- Cả nhà sang đây luôn một lần à? Giỏi thế.
- Ừ, đi cùng luôn vì nếu không sợ chồng không sang nữa, sợ “hoàn cảnh xô đẩy” rồi tan đàn xẻ nghé lắm.
- Chắc chồng chị phải yêu chị lắm mới bỏ công việc sang đây.
- Để hỏi lại chồng xem có phải thế?
Tôi nhớ những “đêm trắng”, những “chiến tranh lạnh” khi cùng chồng tranh luận có đi hay không, những lời khuyên, những dặn dò của người thân, bạn bè trước khi đi…
Lại nghĩ: "Sao chẳng thấy ai nói là chắc chị phải thế nào thì chồng mới bỏ việc đi cùng nhỉ?".
Chợ trời chủ nhật:
- Em ơi, trả tiền thế nào đấy?
- Chỉ nhận cash thôi chị à, mà rau thơm là đắt lắm đấy chị nhé.
- Chị chẳng phân biệt được các loại tiền xu, cứ xòe cả nắm cho người bán hàng chọn và tự lấy cho nhanh.
- Vâng em lúc đầu sang đây cũng thế.
Tôi nhớ tiền xu đã bị khai tử ở Việt Nam, nhớ các loại rau thơm ở Việt Nam, cho đến giờ tôi vẫn chưa tìm được lá lốt bán ở đâu nên đành tạm biệt lâu dài với món chả lá lốt vậy.
Siêu thị:
- Anh ơi, hôm nay có gì sale đấy, sao tim gan, dạ dày ở đây rẻ thế nhỉ, chẳng bù cho Việt Nam.
- Ừ, nhiều Cholesterol mà, ở đây người ta ko ăn
- Anh này, móng giò rẻ quá, em làm “giả cầy” nhé.
- Được đấy mà không tìm đâu ra LoLoTiCa (lòng lợn tiết canh) nhỉ?
Tôi nhớ “thịt cầy” Việt Nam, lòng lợn, cháo lòng phố gì gần trường thể thao 10/10 ấy nhỉ, khi hai vợ chồng tụ tập bạn bè trước khi đi, chẹp chẹp.
- Anh ơi, 70 USD một cái bánh sinh nhật, hơn triệu đồng Việt Nam đấy mà chẳng đẹp gì. Thôi em chẳng can đảm để mua đâu (học bổng cả tháng được có hơn 1000 USD, trong khi chồng chưa kiếm được việc làm gì), để em tự làm vậy
…
- Chị ở Karori à? Ôi em thích cái cửa hàng Family Store ở đó lắm (cửa hàng đồ cũ, từ thiện).
- Điểm đến hàng tuần của nhiều gia đình đó em, chị cũng nghiện opshop (cửa hàng đồ cũ) ở đây rồi.
…
- Chị ơi, mua thịt lợn ở đâu thì không bị có mùi “cừu” nhỉ, em ghét cái mùi thịt lợn ở đây lắm?
- Chỉ có về Việt Nam mà mua thôi em ơi, thích nghi đi.
…
Tôi nhớ bánh gato, bánh giò, bánh xèo, bánh đúc, bánh cuốn, bò khô, ruốc…ở Việt Nam, cái gì cũng rẻ, bước chân ra cửa là có nên chẳng tự làm bao giờ. Giờ hoàn cảnh xô đẩy nên tự làm được hết, đôi khi cũng thấy “mình phục mình ghê”.
- Chị cho con đi học mẫu giáo fulltime (toàn thời gian) đấy à? Chi phí gần hết học bổng còn gì.
- Ừ, thôi “nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học” em à. Bọn chị cố gắng làm thêm vậy
Tôi nhớ, con học mẫu giáo ở Việt Nam chi phí rất ít, nhớ trường Mầm Non A (Ba Đình) nơi con mình đã theo học và có những ngày tháng rất vui ở đó. Cảm ơn các cô đã rất yêu thương con.
Năm thứ hai ở New Zealand.
- Proposal (đề cương luận án) của chị đến đâu rồi?
- Xong rồi, vừa bảo vệ xong, đúng hạn, thở phào nhẹ nhõm.
…
Tôi lại nhớ khi làm “trò”, nhớ hơn những ngày làm “thầy” ở Việt Nam
- Nhà em tết gói bánh chưng không?
- 30, mùng một vẫn đi làm bình thường mà chị, chẳng có không khí gì.
- Chán nhỉ
Tôi nhớ những ngày tết bận rộn mua sắm, quà cáp, thăm hỏi, ăn chơi ở Việt Nam.
- Tuần này đi biển bắt sò, bào ngư nhé.
- Đố ai dám tắm biển ở Wellington đấy (giữa mùa hè hẳn hoi nhé).
- Ừ, nhà chị mỗi con Bông bơi được ở biển thôi (lạnh lắm dù trên đầu trời nắng chang chang).
Tôi nhớ mùa hè và các bãi biển ngập nắng ấm ở Việt Nam, bơi cả ngày không chán
Cũng có những lúc chúng tôi bàn lùi.
- Anh, hay là trở về Việt Nam đi, mệt mỏi quá rồi. Khi nào anh mới kiếm được việc đúng chuyên môn ở đây, hơn hai năm rồi còn gì?
- Em nhớ nói gì khi quyết tâm, lựa chọn ra đi không?
Nhớ, nhớ, nhớ lắm cái cảm giác được bên người thân khi gặp khó khăn, nhớ mẹ.
Năm ba ở New Zealand
- A, tìm được rau kinh giới ở đây rồi.
- Thế là đủ gia vị cho món “Bún đậu mắm tôm” rồi nhé.
- Anh, mình mất mất thói quen quy đổi ra tiền Việt rồi nhỉ?
- Ừ nhỉ? Mất từ khi nào ấy nhỉ, mà giờ cũng không thấy cái mùi “cừu” khi ăn thịt lợn ở đây nữa.
- Chị học sắp xong chưa? Khi nào về?
- Đừng hỏi câu ấy với dân học PhD (tiến sĩ) nhé, nhạy cảm lắm đó. Khi nào cầm cái bằng trong tay là học xong còn giờ chỉ biết chắc chắn khi nào hết học bổng thôi.
- Mẹ ơi Bông/Bi nói tiếng Anh ở nhà.
- Phạt nhé, đã qui định là nói tiếng Việt ở nhà mà.
Tối lại nhớ Việt Nam, trăn trở làm sao gìn giữ được ngôn ngữ và văn hóa Việt cho con mình và trẻ em ở đây.
“Nói tiếng Việt ở nhà” đã trở thành khẩu hiệu ở gia đình tôi và dự án VietKids New Zealand ra đời (dự án Gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt cho trẻ em ở New Zealand).
Chúng tôi rất vui khi càng những năm gần đây, số lượng người Việt tìm được những việc làm tốt (những việc làm đúng chuyên môn, có thu nhập cao ngay cả người New Zealand cũng còn ao ước) ngày càng nhiều. Đây là niềm tự hào của người Việt và cũng là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển bền vững của cộng đồng người Việt ở New Zealand.