Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm những năm qua, không chỉ riêng trong các ngành sản xuất. Trong bối cảnh Covid-19, đào tạo kỹ năng quản trị và chuyên môn để nâng cao chất lượng lao động, từ đó nâng cao năng suất là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp Việt, bên cạnh duy trì sản xuất "ba tại chỗ". Nội dung này cũng đã được các chuyên gia đánh giá, trao đổi trong tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" diễn ra ngày 3/8 trên VnExpress.
![Tọa đàm trực tuyến Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/04/ffgf-8987-1628093836.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XB6gXrnTNMOyghIRgSoRLA)
Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.
Chương trình có sự tham gia của ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ủy viên HĐQT Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM).
Bài toán nguồn nhân lực
Thực tế, việc cạnh tranh quốc tế bằng lao động phổ thông, giá nhân công rẻ không còn mang lại hiệu quả, khi tự động hóa, số hóa đang trở thành xu thế lựa chọn của thế giới. Để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào những công đoạn có giá trị cao hơn, giải bài toán nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu trong ngành sản xuất, tìm ra giải pháp để tranh thủ thời cơ dân số vàng. Để làm được, một trong những điều kiện tiên quyết với doanh nghiệp Việt là phải có đội ngũ lao động chất lượng cao, trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu. Tuy nhiên, đây lại là rào cản của nhiều doanh nghiệp Việt.
![Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam trong tọa đàm trực tuyến.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/04/cfnfjn-3935-1628093837.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XNn31Ru5QnV_kf0Kvj40aA)
Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam trong tọa đàm trực tuyến.
Nhận định vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, câu chuyện lao động vừa thừa, vừa thiếu cũng là một trong những vấn đề lớn với ngành điện tử Việt Nam cách đây nhiều năm. Theo bà Hương, khi tuyển dụng, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đào tạo lại nhân sự. Cụ thể, với công nhân, doanh nghiệp phải mất từ 2-4 tuần đào tạo chuyên môn rồi mới đưa vào dây chuyền sản xuất. Còn với kỹ thuật viên cao cấp, doanh nghiệp mất thời gian lâu hơn, phải đưa đi nước ngoài đào tạo hoặc đào tạo bổ sung trong suốt quá trình làm việc. Từ khi ngành điện tử Việt Nam tham gia cùng các tập đoàn đa quốc gia, việc đào tạo nhân lực diễn ra thường xuyên hơn.
Bà Hương đánh giá, giai đoạn 2015-2016, tay nghề và năng suất của người lao động Việt đứng thứ 11 trong khu vực. Sau hai năm (2017-2018), Việt Nam lên được vị trí thứ 10. Đến thời điểm này, lao động Việt Nam đã được trả mức thu nhập cao hơn, vị trí về tay nghề, năng suất cũng vươn lên vị trí thứ 9 khu vực.
Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, Việt Nam vẫn luôn được biết đến là quốc gia có nguồn lao động giá rẻ và dồi dào. Giới chuyên gia nhận định, nguồn nhân lực của nước ta trong vài năm tới sẽ trong tình trạng vừa thừa (về số lượng nhân công giá rẻ), lại vừa thiếu (lực lượng tay nghề chuyên môn sâu).
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM chia sẻ, sau 35 năm đổi mới (từ năm 1986), Việt Nam vẫn đang nằm trong bẫy thu nhập trung bình. Để thoát ra, buộc doanh nghiệp và người lao động Việt Nam phải làm những việc khó hơn, kiến tạo các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, tham gia vào chuỗi xuất khẩu nhiều hơn, tiến tới tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt, theo ông Minh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo nâng cao chất lượng ở cả ba cấp lãnh đạo (CEO), quản lý và đội ngũ công nhân.
Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực
Với nhiều năm tham gia tư vấn, đào tạo và nâng cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp tại Viện quản trị tinh gọn GKM, ông Đăng Minh đánh giá, nguồn lực chất lượng cao ở cả ba cấp tại các doanh nghiệp đều đang thiếu, kể cả ngành du lịch khách sạn.
"Trong những năm tới, khi vượt qua được thu nhập trung bình thấp, giá nhân công Việt Nam sẽ tăng lên, để làm được, chúng ta phải thoát ra khỏi bẫy thu nhập, nâng chất lượng lao động ở cả ba cấp, dù ở bất cứ ngành nghề nào", ông Đăng Minh nhận định.
Trong khi đó, ông Tào Bằng Huy - Phó cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, đánh giá Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá rẻ hiện đã không còn phù hợp. Thứ nhất, dân số Việt Nam già hóa đang làm giảm đi nguồn lao động dồi dào. Thứ hai, tốc độ tăng lực lượng lao động của Việt Nam cũng đang giảm dần. Ông Huy cho biết, trước năm 2010, mỗi năm lực lượng lao động nước ta tăng từ 1-1,2 triệu người mỗi năm. Nhưng 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng khoảng 400.000 người. Trong năm 2020, lực lượng lao động còn giảm đi so với năm 2019.
Khi Covid-19 bùng phát, tình trạng thiếu việc làm xảy ra nhiều nơi, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở hạng lao động phổ thông. Theo ông Huy, nhận định vừa thừa, vừa thiếu lao động là đúng, vì chúng ta sẽ thiếu lao động kỹ năng, tay nghề chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ sinh học... Trong khi đó, nguồn lao động chất lượng kém hơn sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
"Trong những năm tới, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch kinh tế, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng lao động, tay nghề chuyên môn sâu", ông Tào Bằng Huy nói.
Đánh giá về năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 5,4%, thấp hơn 26 lần so với Singapore, ông Nguyễn Đăng Minh cho rằng, yếu tố ảnh hưởng đến từ năng lực quản trị. Cùng với đó, năng lực người lao động thường chỉ được đánh giá về mặt chuyên môn nghề nghiệp như điện tử, cơ khí, nông nghiệp..., còn năng lực quản trị lại bị bỏ qua.
![Ông Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/04/fkigif-5323-1628093837.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q2KXePFPl5sd_hVI_mI05Q)
Ông Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện quản trị tinh gọn GKM.
Tuy nhiên, theo ông Minh, năng suất bằng năng lực quản trị nhân với kỹ năng nghề nghiệp. Do đó, muốn tăng năng suất, doanh nghiệp phải tăng cả hai kỹ năng cho người lao động. Cấp quản lý và CEO đều phải có năng lực quản trị chính mình và quản trị nhân viên. Bản thân công nhân cũng phải tự quản trị công việc của họ.
Ông Minh nhìn nhận, trên thực tế, công nhân lại không được đào tạo nhiều về kỹ năng này, nếu có cũng chỉ là một vài kỹ năng mềm, không đủ để tự quản trị công việc, ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu quản trị tốt mà tay nghề không tốt, năng suất lao động cũng giảm.
"Để đánh giá kết quả đóng góp vào năng suất của doanh nghiệp, người lao động không thể dựa vào quá trình học tập, điểm số, bằng cấp trung gian, mà phải dựa vào năng lực cuối cùng", ông Đăng Minh nói.
Đại diện Viện quản trị tinh gọn GKM cho rằng, tại Việt Nam, năng lực quản trị các doanh nghiệp có nhiều, nhưng lại ít tập trung cho người lao động, trong khi thành phần này chiếm đến 80-90% tổng giá trị sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược đào tạo, dẫn dắt con người trong thực tiễn cũng như thay đổi chương trình đào tạo ở các cấp giáo dục.
Bên cạnh phân tích những rào cản về nguồn nhân lực, tọa đàm "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" còn có những hiến kế giúp doanh nghiệp giảm thừa, bù thiếu nguồn nhân lực cho ngành sản xuất.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021, do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress tổ chức. Nội dung thảo luận xuyên suốt ViEF 2021 là "giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế Việt Nam và một số ngành, lĩnh vực trọng tâm giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030". Diễn đàn còn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công - tư để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật trong giai đoạn mới.
Hà Thanh