
Vì tình yêu, chúng tôi bất chấp mọi khó khăn thử thách. Tôi nguyện đồng cam cộng khổ, đi cùng anh đến cùng trời cuối đất. Chồng tôi phải mất một thời gian để thuyết phục cha mẹ. Gần 2 năm sau, khi đã có con gái đầu lòng được 9 tháng tuổi, chúng tôi mới về ra mắt nhà chồng.
Ngày chồng đưa tôi về Ấn Độ lần đầu tiên, cha mẹ chồng ra sân bay đón chúng tôi. Mẹ chồng nở nụ cười thân thiện và đến ôm tôi làm tôi thấy ấm áp, nhưng ba chồng thì đứng từ xa nhìn rồi lạnh lùng quay ra xe. Tôi thoáng bối rối. Rồi chúng tôi đi đoạn đường dài 10 giờ lái xe từ sân bay Bangalore về nhà. Nhà chồng tôi ở một ngôi làng xa xôi trên đồi cao thuộc quận Kannur, tiểu bang Kerala, miền nam Ấn Độ. Đó là một ngôi nhà nhỏ cổ xưa làm bằng đá ong, lợp mái ngói và nền tráng lớp ximăng thô sơ.
Nhà không có tủ lạnh, máy giặt và nấu cơm bằng bếp củi. Trước đó chồng tôi đã kể nhà anh nghèo nhưng tôi không mường tượng được như thế này. Hơn một năm sau đó chồng tôi đi làm kiếm tiền gửi cho cha mẹ cộng với số tiền bán mảnh vườn nhỏ, nhà chồng bắt đầu xây một ngôi nhà mới hiện đại, lớn hơn và tiện nghi hơn.
Tôi nhớ thời gian đầu ở đây đối với tôi rất khó khăn. Chồng tôi ở nhà được hai tuần thì đi thủ đô New Delhi làm việc, để tôi và con gái nhỏ ở lại quê nhà sống với cha mẹ và bà nội của anh ấy. Tôi đã ở lại bốn tháng mới đem con đi Delhi đoàn tụ với chồng. Tôi học một ít tiếng Malayalam là ngôn ngữ của bang Kerala để giao tiếp với nhà chồng vì họ không nói tiếng Anh được nhiều. Cha mẹ chồng và bà nội chồng là người phong kiến và cổ hủ. Ban đầu tôi bị "sốc văn hóa" với những phong tục kỳ lạ. Tôi cố gắng làm quen với mọi thứ và thích nghi dần.
Sau khi tôi sinh con gái thứ hai mới được 3 tháng tuổi thì chồng tôi chuyển công tác ra nước ngoài ở Israel. Từ đó tôi và hai con nhỏ phải về sống với cha mẹ chồng và bà nội chồng dài hạn vì hợp đồng làm việc 5 năm với chính phủ Israel không cho chồng đem vợ con theo và mỗi hai năm chồng tôi mới được về thăm gia đình.
Sau khi đi Israel, anh cho tôi đem hai con gái về Việt Nam chơi một thời gian. Nhưng rồi tôi cũng phải đem hai con trở về Ấn sống cùng cha mẹ chồng. Với tôi, sống chung với nhà chồng là điều không dễ dàng. Họ hay can thiệp chuyện nuôi dạy con cái của tôi một cách vô lý. Tôi cũng cố gắng sống "dĩ hòa vi quý" nhưng đôi khi có những điều không đúng, tôi phải lên tiếng đấu tranh cho mình và con.
Ba chồng tôi là người không được học cao, hơi thô lỗ, gia trưởng, khó chịu và hay lớn tiếng quát mắng phụ nữ trong nhà. Nhưng mẹ chồng và bà nội chồng luôn im lặng và không cãi lại vì theo văn hóa ở đây phụ nữ phải phục tùng đàn ông. Tôi thấy bất bình bảo ba chồng tôi cần phải thay đổi cách đối xử với phụ nữ và tôn trọng chúng tôi thì ông càng nổi giận. (Chồng tôi hiền lành, tốt tính, yêu thương và tôn trọng tôi, không giống ba anh ấy, nhưng luôn bảo tôi cố nhẫn nhịn.) Thời gian đầu, khi thấy tôi dạy con nói tiếng Việt, nhà chồng có thái độ hơi khó chịu. Nhưng tôi vẫn dạy con nói tiếng mẹ đẻ và̀ đến nay các con tôi nói rất giỏi cả bốn ngôn ngữ (Việt, Malayalam, Anh và Hindi).
̀Nơi tôi ở, chỉ có mỗi mình tôi là người nước ngoài. Không phải tất cả những người bản xứ đều chào đón tôi. Tôi biết ở đây có rất nhiều người bảo thủ và giữ khoảng cách với tôi. Chỉ một số người thân thiện thỉnh thoảng bắt chuyện với tôi. Tôi không có đồng hương cũng không có bạn bè xung quanh mình. Rất nhiều lần tôi cảm thấy buồn tủi, cô đơn, lạc lõng nơi xứ người. Tôi chỉ có hai con gái nhỏ là nguồn vui và chồng quan tâm động viên an ủi.
Tôi luôn mang nỗi nhớ cha mẹ, bạn bè, người thân và quê hương Việt Nam da diết không nguôi và cả nỗi nhớ thèm những món ăn hương vị quê nhà. Ở đây không có nước mắm và những nguyên vật liệu để nấu món ăn Việt. Việc chế biến những món ăn Việt gặp rất nhiều hạn chế. Có khi tôi làm ra những món ăn vừa lai Việt vừa lai Ấn. Tôi đem mấy loại hạt giống rau Việt sang đây trồng. Tôi thường chế biến cho con ăn vài món Việt để dạy con về quê hương của mẹ.
Cuộc sống xa xứ của tôi có nhiều khó khăn, thử thách không thể kể hết... Thậm chí đôi khi có những căng thẳng với cả chồng và nhà chồng vì những quan điểm khác nhau do khác biệt về văn hóa làm tôi chán nản muốn bỏ cuộc. Nhưng nhớ lại lý do khi tôi bắt đầu khiến tôi lại tiếp tục. Chồng và tôi cố gắng hiểu nhau hơn và dung hòa giữa hai nền văn hoá.
Ngô Thị Hải Vân
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com