Căn cứ khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
Như vậy, việc tính thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế (dựa trên hóa đơn, chứng từ) và không có sự khác biệt khi khách hàng thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản, trừ trường hợp xác định doanh thu không phù hợp thì cơ quan thuế sẽ thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định.
Nếu khoản tiền nhận chuyển khoản không liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc đó là thu nhập không phải chịu thuế thì không bị cơ quan thuế truy thu thuế.
Ví dụ: Trường hợp khách hàng đổi tiền mặt và sau đó chuyển trả tiền qua tài khoản, bạn bè chuyển khoản trả nợ (vì bản chất không phát sinh thu nhập nên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân); tiền của người thân gửi từ nước ngoài về (được miễn thuế thu nhập cá nhân theo khoản 8 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân); ngân hàng chuyển lãi tiền gửi tiết kiệm (theo khoản 7 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân)...
Do đó, chị cần yêu cầu khách hàng, người khác chuyển tiền vào tài khoản của mình thì ghi chú rõ ràng nội dung chuyển tiền để tránh bị cơ quan thuế nhầm lẫn "phần thu nhập không phải đóng thuế" thành "phần thu nhập phải đóng thuế".
Lưu ý: Trong trường hợp cơ quan thuế nhầm lẫn thì chị cần cung cấp chứng cứ (hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan) để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM