Chiều 9/1, hầu hết những bạn trẻ tôi tình cờ gặp đều nhắc đến việc nhạc sĩ Hoàng Hiệp vừa từ giã nhân gian lúc ban trưa. Bất giác, lòng tôi vẫn thấy chút ấm áp giữa ngày Sài Gòn chợt trở lạnh giăng mưa khi nghĩ đến một cuộc đời tài hoa vừa khép lại ở tuổi 83 nhưng tác phẩm của ông vẫn thênh thang bay về phía tương lai.
![nhac-si-Hoang-Hiep-jpg-1357780415_500x0.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2013/01/10/nhac-si-Hoang-Hiep-jpg-1357780415.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qS2aVI_LlssxbjM6rLYpOQ)
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp không phải kiểu người quảng giao. Ông không mấy hứng thú với đám đông ồn ào và cũng không có nhiều bạn bè. Nếu ai có thói quen hình dung một người viết nhạc phải có lối sống bay bổng, nay tụ bạ cốc chén chỗ nọ, mai cao đàm khoác luận chỗ kia, thì hoàn toàn không tương thích khi so sánh với tính cách của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Mỗi khi tôi muốn tìm ông để tham khảo ý kiến về đời sống âm nhạc, bao giờ ông cũng hẹn đến nhà riêng của ông ở góc đường Phan Kế Bính, quận 1, TP HCM với lý do nhẹ nhàng: "Chỗ đó yên tĩnh, dễ trao đổi với nhau hơn!".
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp luôn từ tốn và nhỏ nhẹ, nhưng thừa sắc sảo và tinh tế. Ông đánh giá về khả năng hay phong cách của người nào, thì thường chỉ nói một câu ngắn gọn, nhưng trúng phóc. Chứng tỏ ông túc trực suy nghĩ trong từng khoảnh khắc trầm tư. Từ ngày nghỉ hưu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp càng khép kín hơn, phần vì mỏi mệt bệnh tật tuổi già, phần vì ngao ngán thị trường âm nhạc. Có lần, trên đường đến cơ quan sáng sớm, tôi thấy nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang tập thể dục ở ngã ba Điện Biên Phủ - Phan Kế Bính. Ông vẫy tôi lại, và cười móm mém đưa một nhận xét thay lời chào: "Ca khúc bây giờ chỉ cần cảm giác, chứ không cần trí não nữa! Tui thành kẻ lạc thời rồi!".
Đúng là nhạc sĩ Hoàng Hiệp lạc thời, nếu đặt những tác phẩm của ông bên cạnh dòng nhạc chập cheng nhảy nhót loạn xạ hiện nay. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp chơi mandolin từ bé, rồi đi theo cách mạng và viết nhạc phục vụ công cuộc kháng chiến. Thế nhưng, phẩm chất âm nhạc của Hoàng Hiệp trữ tình ngay trong bom đạn khốc liệt. Do vậy, từ Câu hò bên bờ Hiền Lương sáng tác khi đất nước còn chia cắt cho đến những ca khúc sáng tác khi xây dựng quê hương thống nhất vẫn ăm ắp một dòng chảy nồng nàn và thân ái.
Trong những bài hát làm nên tên tuổi Hoàng Hiệp, trừ Nhớ về Hà Nội và Trở về dòng sông dòng sông tuổi thơ, hầu hết đều được phổ thơ. Những dịp tôi được ngồi với ông, cũng chỉ trò chuyện về thơ phổ nhạc. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp quan niệm: "Nếu phổ thơ non tay, sẽ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là hát thơ, giai điệu của nhạc sĩ chỉ ăn theo nhà thơ. Thứ hai là phá thơ, giai điệu của nhạc sĩ không hòa nhập với ý tứ của nhà thơ!". Căn cứ tiêu chí ấy, thì Hoàng Hiệp là một người phổ thơ thuộc hạng cao tay. Bài thơ Cô gái vót chông của Mô Chô Y Lôi, bài thơ Trường Sơn đông Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, bài thơ Ngọn đèn đứng gác của Chính Hữu hoặc bài thơ Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi đều được nhạc sĩ Hoàng Hiệp tạo ra giá trị thẩm mỹ khác khi phổ thành ca khúc!
Tuy nhiên, theo tôi, cái tài phổ thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp thể hiện rõ nét nhất qua hai bài thơ Con đường có lá me bay và Mùa chim én bay của Diệp Minh Tuyền. Nếu cầm nguyên bản bài thơ để đọc và lắng nghe ca khúc, thì không thể phủ nhận từng câu, từng chữ đã được chắp cánh rộn ràng như thế nào. Có lẽ, sự thăng hoa ấy cũng còn nhờ mối thâm tình giữa hai ông khi cùng công tác tại Hội âm nhạc TP HCM. Và có lẽ lúc này hai ông đang gặp nhau ở nơi thăm thẳm nào đó và cùng hát: "Én về én lại xa, mùa xuân không ở lại, bên anh em gần mãi, nên đời vẫn xuân tràn".
Lê Thiếu Nhơn
Sài Gòn, tối 9/1/2013