Sáng 2/7, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết bệnh nhân đã được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc sang Khoa Bệnh nhiệt đới để tiếp tục theo dõi và phục hồi trước khi xuất viện.
Trước đó, chiều 26/6, ông Dũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng sưng phù, co giật, khó thở, tức ngực và mạch nhanh. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 3 do ong vò vẽ đốt và lập tức tiến hành các biện pháp chống sốc, truyền dịch và cung cấp oxy.
Tình trạng bệnh nhân nhanh chóng xấu đi, rơi vào hôn mê và suy hô hấp. Sau khi chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, truyền dịch nhanh và sử dụng thuốc vận mạch. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị suy tim, suy thận cấp và hội chứng hủy cơ vân - tình trạng phân hủy cơ nghiêm trọng gây rối loạn điện giải, đe dọa tính mạng.
Êkíp đã lọc máu liên tục kết hợp lọc hấp phụ để loại bỏ độc chất từ nọc ong. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở được và không còn cần ống nội khí quản.
Khi đã hồi phục, cụ ông kể lại rằng ông bị đàn ong tấn công khi vô tình chạm phải tổ ong trong lúc chặt cây sau nhà. Ong đốt khiến ông choáng váng và ngất đi, sau đó tỉnh lại tại bệnh viện.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau khi được điều trị sốc phản vệ do ong vò vẽ đốt hơn 30 vết. Ảnh: Bùi Huân
Bác sĩ Vũ Phan Thiên Ân, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cảnh báo rằng sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nếu bị ong đốt mà đến viện muộn hoặc xử lý không đúng cách, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
Bác sĩ Ân khuyến cáo người dân khi bị ong đốt hoặc có dấu hiệu dị ứng nặng như khó thở, sưng tại vết đốt, chóng mặt cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
* Tên bệnh nhân đã thay đổi.