Tôi là công chức, đã có 28 năm công tác và cống hiến trong một cơ quan nhà nước. Với hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ và các chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ cũng như chứng chỉ về tiêu chuẩn trình độ ngạch bậc chuyên môn, tôi từng yên tâm và luôn nghĩ mình có một sự nghiệp vững vàng, công việc ổn định. Tôi tự bằng lòng với mức thu nhập của mình. Suốt những năm qua, tôi luôn tâm huyết với công việc, tham gia nghiên cứu, giảng dạy, sáng kiến cải tiến công tác và xây dựng các văn bản pháp lý. Những thành tích của tôi luôn được ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện qua xếp loại chất lượng công chức và khen thưởng hàng năm.
Giờ đây, tôi lại phải đối mặt với một thử thách chưa từng nghĩ đến: nguy cơ bị buộc thôi việc chỉ vì tiêu chí "sức khỏe yếu". Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 2020 khi tôi mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Điều này là một cú sốc lớn, nhưng nhờ sự kiên cường và sự hỗ trợ y tế tận tình, tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Sau năm năm điều trị, tôi hồi phục và quay lại công việc với tinh thần đầy nhiệt huyết. Tôi vẫn tiếp tục cống hiến, hoàn thành các dự án quan trọng trong vai trò trưởng phòng. Tuy nhiên, giờ đây tôi lại đứng trước một thử thách khác, không phải bệnh tật mà là nguy cơ bị buộc thôi việc do chính sách tinh giản bộ máy của cơ quan.
Lúc này, tôi bắt đầu suy nghĩ về quy định mới mà cơ quan đưa ra: "rà soát và giảm nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc". Trong đó, một trong những tiêu chí khiến tôi băn khoăn và lo lắng chính là "sức khỏe yếu". Dù sức khỏe tôi hiện tại đã ổn định sau khi điều trị, nhưng yêu cầu này lại không rõ ràng. Văn bản quy định "kiên quyết giảm nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc của vị trí hiện tại" đồng thời đặt ra tiêu chí sức khỏe yếu mà không đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào là "sức khỏe yếu". Liệu điều này có đồng nghĩa với việc những người từng mắc bệnh sẽ bị loại ra khỏi công việc dù đã hoàn toàn phục hồi? Sự thiếu minh bạch này khiến tôi cảm thấy bất an. Làm sao tôi biết được liệu mình có đủ điều kiện để tiếp tục công tác, khi tiêu chí sức khỏe lại mơ hồ đến vậy?
Sau 28 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội, nếu chỉ vì lý do sức khỏe yếu mà tôi phải rời bỏ công việc, cuộc sống của tôi sẽ đi về đâu? Với số tiền trợ cấp ít ỏi, không công ăn việc làm, không lương hưu, lại còn hai con đang học đại học, trong khi suốt 28 năm qua tôi vẫn phải sống trong một căn nhà tập thể cũ, giờ cảm thấy nỗi lo ngày càng nặng trĩu. Cuộc sống thật khó khăn, tôi chẳng biết phải làm sao. Không chỉ có tôi, nhiều đồng nghiệp cũng đứng trước tình cảnh tương tự. Những người có năng lực, đã cống hiến lâu dài nhưng giờ đây lại bị đẩy vào tình trạng nghỉ hưu sớm, dù họ vẫn có thể tiếp tục đóng góp cho công việc. Trong khi đó, có những người chỉ còn ít năm công tác nhưng vẫn được xem xét chuyển sang các vị trí khác thoải mái hơn. Điều này gây nên sự so sánh và khiến chúng tôi tự hỏi liệu có thực sự công bằng với mọi người.
Tôi không thể không tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục công tác hay không, liệu những đóng góp của mình trong suốt bao năm qua có đủ để giữ tôi lại không. Liệu cơ quan có đánh giá công bằng khi tiêu chí về sức khỏe lại là rào cản lớn nhất? Những năm tháng tôi đã dày công cống hiến và vượt qua khó khăn bệnh tật liệu có được ghi nhận đúng mức? Tôi chỉ mong muốn mình sẽ không phải lo sợ về sự bất công từ chính cơ quan mình, để có thể tiếp tục phục vụ và đóng góp cho xã hội mà không phải hoài nghi về sự công bằng trong đánh giá. Tôi vẫn hy vọng rằng sau tất cả những thử thách về sức khỏe, sẽ được đánh giá đúng mức và có thể tiếp tục đóng góp cho công việc mình đã tận tâm cống hiến. Mong được các bạn chia sẻ. Chân thành cảm ơn.
Văn Hòa