"Sẽ là bất hợp pháp khi một thẩm phán tìm cách chỉ đạo một vị tướng về cách điều binh, hay khi một thẩm phán chỉ đạo cách bộ trưởng tư pháp làm việc với tư cách công tố viên. Các thẩm phán không được phép kiểm soát quyền lực hợp pháp của nhánh hành pháp", Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance viết trên X ngày 9/2.
Hiện chưa rõ ông Vance muốn đề cập đến thẩm phán, phán quyết cụ thể nào hay chỉ nêu vấn đề chung. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng tuyên bố của ông Vance đồng nghĩa Tổng thống Mỹ, người đứng đầu nhánh hành pháp, hoàn toàn có quyền phớt lờ phán quyết được ban hành bởi thẩm phán liên bang, những người "cầm cân nảy mực" trong lĩnh vực tư pháp.
Điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc "tam quyền phân lập" được hiến pháp Mỹ quy định, trong đó nêu rõ nhánh tư pháp có nhiệm vụ đảm bảo nhánh hành pháp tuân thủ luật pháp. Tuyên bố của Vance cũng gây nhiều lo ngại về thực tế, bởi một số sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump đã ký trong vài tuần qua đang đối mặt hơn 20 vụ kiện tụng cùng các phán quyết bất lợi từ thẩm phán liên bang.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo giới tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/AP25035725837714-9102-1739161811.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AM2g_2cX1IZ9JJ-CXqdqyA)
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo giới tại Nhà Trắng ngày 4/2. Ảnh: AP
Các thẩm phán đã chặn sắc lệnh về "bãi bỏ chính sách sinh ở Mỹ là công dân Mỹ", tạm hoãn chương trình sa thải công chức hàng loạt hay đóng băng viện trợ. Cuối tuần trước, thẩm phán liên bang Paul Engelmayer cấm Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), do Elon Musk lãnh đạo, tiếp cận dữ liệu nhạy cảm trong hệ thống quản lý ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ.
Do tòa chưa xử xong các vụ kiện, đây chưa phải phán quyết cuối cùng, nên tác động của chúng chưa thực sự rõ ràng. Một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng sẽ xuất hiện nếu tòa án ra phán quyết buộc ông Trump phải chấm dứt một sắc lệnh hoặc chính sách, nhưng Tổng thống từ chối tuân thủ.
Khi đó, nước Mỹ sẽ đứng trước cuộc đối đầu giữa hai nhánh quyền lực và không thể giải quyết theo hệ thống, theo Dan Urman, giáo sư luật Đại học Northeastern, bang Massachusetts. Bài đăng của Phó tổng thống Vance càng làm dấy lên lo ngại về kịch bản này.
Theo hiến pháp Mỹ, nhánh tư pháp, với đại diện là các thẩm phán, kiểm soát nhánh hành pháp bằng cách tuyên bố một hành động hành pháp là vi hiến, cũng như có quyền vô hiệu hóa luật và các động thái của tổng thống, như sắc lệnh, chỉ thị hành pháp. Trong lịch sử Mỹ, các tổng thống chỉ có thể khiếu nại phán quyết của thẩm phán lên Tòa án Tối cao, chưa từng có ai phớt lờ lệnh tòa.
"Phát biểu của Vance có thể được coi là lời bóng gió về việc nhánh hành pháp sẵn sàng không tuân thủ lệnh từ tòa án, nếu Tổng thống cho rằng ông ấy có quyền còn tòa án kết luận ngược lại", Rick Pildes, giáo sư Trường Luật, Đại học New York, nói với NBC News. "Một Tổng thống lệnh cho cấp dưới bất tuân phán quyết tòa án sẽ tạo ra khủng hoảng".
Theo Jamal Greene, giáo sư Trường Luật Columbia, bang New York, một số quan chức chính quyền Trump, bao gồm cả tỷ phú Musk, cũng đã ám chỉ họ sẵn sàng phớt lờ lệnh tòa án.
Ngày 8/2, ông Musk chia sẻ bài viết của một tài khoản X có nội dung "tôi không thích tạo ra tiền lệ khi phớt lờ lệnh tòa án, nhưng tôi tự hỏi những thẩm phán này còn cho chúng ta lựa chọn nào khác không". Trong một bài đăng khác, Musk kêu gọi "luận tội thẩm phán Engelmayer ngay lập tức".
"Chúng tôi rất thất vọng với những thẩm phán ra phán quyết như vậy, nhưng chúng tôi vẫn còn chặng đường dài phía trước", ông Trump trả lời báo giới. "Thành thật mà nói, không thẩm phán nào được phép ra phán quyết kiểu đó".
Giới quan sát cho rằng khả năng cao Tòa án Tối cao sẽ phải can thiệp và làm rõ ranh giới quyền lực của Tổng thống trong quá trình phân xử các vụ kiện. Nhưng phán quyết từ cơ quan này không phải lúc nào cũng hiệu quả.
![Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ. Bấm vào ảnh để xem chi tiết](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/Cau-tao-nha-nuoc-my-1739163896-9504-1739163963.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=66EmAviZybeZ4CHz5XnrYQ)
Mô hình tam quyền phân lập trong chính quyền liên bang Mỹ. Bấm vào ảnh để xem chi tiết
Trả lời phỏng vấn hồi tháng 2/2024, ông Vance từng nói tổng thống Mỹ có thể bất tuân Tòa án Tối cao, nếu phán quyết đưa ra cản trở quyền hợp pháp theo hiến định. Tháng 3/2024, ông Vance tiếp tục nhấn mạnh điều này, nêu ví dụ như Tòa án Tối cao ngăn cản Tổng thống giải thể các cơ quan quan liêu.
Trong khi đó, nhiều thành viên bảo thủ đang thúc đẩy cái gọi là học thuyết "hành pháp hợp nhất", tức tổng thống hoàn toàn kiểm soát nhánh hành pháp và quốc hội không thể kiềm chế người đứng đầu Nhà Trắng. Số khác lập luận quyền phủ quyết của tổng thống đồng nghĩa ông có thể bác bỏ chỉ thị về chi tiêu từ quốc hội. Nếu Tòa án Tối cao chấp nhận những lập luận này, quyền lực tổng thống sẽ tăng đáng kể.
Phe Dân chủ đã lên tiếng cảnh báo về những nỗ lực của Tổng thống Trump và ông Musk, trong đó có chặn các khoản chi tiêu đã được quốc hội phân bổ.
"Tôi nghĩ đây là cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất mà đất nước đối mặt, ít nhất là từ vụ Watergate", thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut Chris Murphy nói, đề cập bê bối những năm 1970 khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức. "Đây là thời khắc báo động đỏ, cả nước cần phải hiểu rằng nền dân chủ của chúng ta đang đối mặt nguy hiểm".
![Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington tháng 6/2021. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/2021-06-25T134935Z-1745010415-7274-8731-1739161811.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LMEwI4DwhV2rgC6fXpFH1w)
Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington tháng 6/2021. Ảnh: Reuters
Giáo sư Urman cho biết hệ thống chính trị Mỹ được thiết kế để các nhánh có thể giám sát lẫn nhau. Nhánh tư pháp không có nhiều phương án để trừng phạt tổng thống vì vi phạm phán quyết, nhưng quốc hội hoàn toàn có công cụ đủ mạnh để can thiệp.
"Nếu quan chức trong nhánh hành pháp có hành động phạm tội, hiến pháp trao cho quốc hội quyền luận tội", theo ông Greene. Các nỗ lực luận tội tại quốc hội có thể khiến tổng thống bị phế truất.
Nhưng lúc này, đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. Khả năng đảng Cộng hòa dẫn đầu một nỗ lực luận tội và phế truất tổng thống thuộc đảng của mình là rất thấp. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng bị Hạ viện, nơi phe Dân chủ kiểm soát, luận tội hai lần nhưng đều được Thượng viện, nơi phe Cộng hòa chiếm đa số, tha bổng sau đó.
"Nếu quốc hội không thực thi quyền giám sát của mình, không ai có thể làm gì khác", giáo sư Greene nói. "Đó là lúc hệ thống chính phủ không còn vận hành theo hiến định nữa".
Như Tâm (Theo NBC News, Washington Post, AP)