Bệnh nhân phát hiện ung thư cổ tử cung vào cuối tháng 11/2018, không điều trị. Bà đến Việt Nam thăm con gái thì phát bệnh. Ngày 11/2, bà được đưa vào Bệnh viện K trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối u ung thư cổ tử cung xâm lấn làm giãn niệu quản. Bệnh nhân bị thiếu máu nặng, tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã truyền máu, lọc máu cho bệnh nhân. Sau 2 lần lọc máu, bệnh nhân thoát nguy kịch. Kết quả siêu âm, chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u cổ tử cung kích thước 9,5x8,7x9,6 cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu cho biết bệnh nhân bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 4.
Bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Ảnh: Hà Trần.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên tuổi 30. Năm 2018, Việt Nam ghi nhận có khoảng gần 4.200 ca mắc mới và hơn 2.400 người tử vong vì bệnh này. Phần lớn người bệnh phát hiện và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đang được điều trị theo các phương pháp phẫu thuật, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, đặc biệt nên tiêm vắcxin phòng bệnh.