Thứ năm, 13/2/2025
Thứ bảy, 19/12/2020, 10:47 (GMT+7)

Người Mỹ tiêm vaccine Covid-19

Các y bác sĩ và quan chức Mỹ tiên phong tiêm vaccine Covid-19 với hy vọng khuyến khích người dân tiêm chủng đại trà.

Sandra Lindsay, y tá tại Trung tâm Y tế Do Thái Long Island, bang New York, là người Mỹ đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 hôm 14/12, do bác sĩ Michelle Chester thực hiện.

Lindsay cho biết mũi tiêm không khác biệt so với tiêm các vaccine khác. "Tôi thấy tuyệt vời, nhẹ nhõm", cô nói.

Tuần trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho vaccine Covid-19 đầu tiên tại Mỹ do hai hãng dược Pfizer và BioNTech phát triển, với hy vọng đẩy lùi được đại dịch đã giết hơn 300.000 người ở nước này.

Những liều đầu tiên của vaccine Pfizer/BioNTech đã được phân phối tới toàn bộ 50 bang của Mỹ, thủ đô Washington và lãnh thổ Puerto Rico, và các nhân viên y tế tuyến đầu là những người đầu tiên được tiêm vaccine này hôm 14/12.

Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy (thứ hai từ phải sang) vỗ tay khi y tá Maritza Beniquez bày tỏ sau mũi tiêm vaccine Covid-19 ở trường Y Rutgers New Jersey, thành phố Newark, hôm 15/12.

Các liều vaccine Pfizer/BioNTech được lấy ra khỏi tủ đông để tiêm tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở thành phố Boston, Massachusetts, hôm 16/12.

Vaccine của Pfizer có giá 19,5 USD một liều, yêu cầu hai mũi tiêm cách nhau vài tuần để đảm bảo hiệu quả 95%. Nhiệt độ tiêu chuẩn để bảo quản nó trong tủ đông là -70 độ C, lạnh hơn nhiều so với hầu hết các loại thuốc và vaccine thông thường.

Bác sĩ Karim Yatim được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở thành phố Boston, Massachusetts, hôm 16/12.

Giới chức y tế cộng đồng ước tính sau khi tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên, hầu hết người Mỹ trẻ và khỏe mạnh cũng có thể bắt đầu được tiêm chủng vào khoảng giữa tháng 3 tới đầu tháng 4 năm sau.

Phó tổng thống Mike Pence tiêm công khai vaccine Covid-19 tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, hôm 18/12.

Y sĩ Emily Ryan, 40 tuổi, mặc chiếc áo có hình Tiến sĩ Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, sau mũi tiêm vaccine ở trung tâm y tế tại thành phố Glendale, California, hôm 17/12.

Ông Fauci tin rằng Mỹ có thể đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý II năm 2021, tức cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, khi khoảng 75-80% dân số được tiêm chủng.

Dược sĩ Nikolas Gardner đặt một khay vaccine Pfizer-BioNTech vào tủ đông ở bệnh viện tại thành phố Madison, bang Wisconsin, hôm 14/12.

Để bảo quản vaccine của mình, Pfizer tạo ra loại hộp lạnh kích thước bằng một chiếc vali, có thể chứa 1.000-5.000 liều trong 10 ngày, sau đó phải bổ sung thêm đá khô. Sau khi rã đông, lọ dịch tiêm sẽ được bảo quản trong tủ lạnh lâu nhất là hai ngày. Hãng cũng đang tìm cách cho ra đời vaccine dạng bột, có thể cất giữ trong điều kiện nhiệt độ cao hơn.

Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams giơ ngón tay cái khi được tiêm vaccine tại Nhà Trắng hôm 18/12.

Y tá Joyce Limurti, 40 tuổi, giơ nắm đấm thể hiện sự mạnh mẽ khi tiêm vaccine tại trung tâm y tế tại thành phố Glendale, California, hôm 17/12.

Quân nhân Randy F. Swanson tiêm vaccine tại Bệnh viện Quân đội Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland, hôm 14/12.

Bác sĩ Yves Duroseau ở bệnh viện Lennox Hill, bang New York, tiêm vaccine trước sự chứng kiến của truyền thông hôm 14/12.

Khảo sát mới nhất của Axios-Ipsos cho thấy 27% người Mỹ muốn tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất có thể, tăng hơn gấp đôi trong ba tháng qua. Khảo sát cũng chỉ ra gần 2/3 người Mỹ, khoảng 64%, tin tưởng rằng FDA quan tâm tới "lợi ích tốt nhất cho gia đình họ".

FDA hôm 18/12 cũng đã phê duyệt khẩn cấp cho vaccine Covid-19 thứ hai ở Mỹ của Moderna, với 6 triệu liều dự kiến xuất xưởng cuối tuần này. Cả vaccine của Moderna và Pfizer đều đạt hiệu quả khoảng 95% đối với dân số nói chung, dù của Moderna đạt hiệu quả 86% đối với người trên 65 tuổi.

Ảnh: Reuters.