Mark, 76 tuổi, một phó giáo sư làm việc tại Austin, bang Texas, Mỹ, lo lắng khi nhiệt độ trong vùng tuần tới vẫn tiếp tục duy trì ở mức 39-41 độ C, sau nhiều tuần nắng nóng liên tục ở Texas.
"Sống ở đây cảm giác như bị cầm tù trong nhà. Bên ngoài quá nóng", ông nói trong cuộc phỏng vấn với Guardian ngày 20/7.
Mark cho hay thành phố ông sống đang hứng chịu ngày càng nhiều ngày nhiệt độ trên 39 độ C, với ánh mặt trời chói chang như ở vùng nhiệt đới. "Tôi không thể tưởng tượng được người dân ở đây sẽ thế nào nếu không có điều hòa. Đó là thứ duy trì sức sống cho nơi này, nhưng không rẻ chút nào", ông nói.
![Michael Villa và JP Lantin, thợ của công ty sửa chữa điều hòa, làm việc tại một ngôi nhà ở Laveen, bang Arizona, ngày 19/7. Ảnh: AP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/07/22/image-1-9070-1689991056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jHDLkLeZg2hCVodE06FimQ)
Michael Villa và JP Lantin, thợ của công ty sửa chữa điều hòa, làm việc tại một ngôi nhà ở Laveen, bang Arizona, ngày 19/7. Ảnh: AP
Hệ thống điều hòa trung tâm trong nhà Mark bị hỏng vài tuần trước khi thời tiết trở nên quá nóng, khiến nước bị rò rỉ khắp sàn gỗ, buộc ông phải thay sàn mới.
"Tôi mới dùng hệ thống điều hòa này 13 năm, không ngờ hỏng nhanh thế. Chi phí thay điều hòa mới khoảng 15.000 USD. Đây là số tiền lớn mà tôi phải chi ra từ tiền tiết kiệm nghỉ hưu, nhưng không còn lựa chọn nào khác, bởi để sống sót ở đây phải có điều hòa", Mark nói.
Theo Forbes, một hệ thống điều hòa trung tâm mới ở Mỹ có giá 5.000-34.000 USD, tùy thuộc vào diện tích căn nhà, thương hiệu cũng như công lắp đặt.
"Tôi không đủ khả năng thay điều hòa lần thứ hai, nhưng nó có thể hỏng lần nữa sau 10-15 năm tới", ông cho hay.
Ngoài chi phí mua và lắp đặt điều hòa, hóa đơn tiền điện cũng làm thâm hụt ví tiền của người Mỹ. "Ngay cả điều hòa kiểu tiết kiệm điện cũng phải chạy liên tục để chống lại cái nóng", Mark nói. "Có tháng tôi trả tới 400 USD tiền điện. Tôi đang cố hết sức để cải thiện khả năng chống nóng của ngôi nhà, nhưng phải tự làm vì thu nhập có hạn".
Nhiều cư dân ở Texas, Arizona, California, New Mexico và Florida cho hay nhiệt độ ở nơi mình sinh sống bây giờ nóng hơn so với vài năm trước. Họ thậm chí không thể rời nhà vào giữa buổi sáng do nắng nóng.
Có người cho hay sẽ không thể chịu nổi nếu không có điều hòa. Thứ từng được coi là vật bổ trợ cho lối sống thêm thoải mái giờ đây trở thành đồ thiết yếu. Gần 90% hộ gia đình Mỹ lắp điều hòa năm 2020, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
"Tôi rất lo lắng cho tương lai. Thời tiết sẽ cực nóng và ngày càng nóng hơn, trong khi nhiều người ngoài kia không có điều hòa", ông chia sẻ.
Ở Texas, đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhu cầu điện tăng vọt, đẩy lưới điện vào tình trạng nguy cấp. Một số người cho hay nhờ lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời từ trước mới đủ điều kiện sử dụng điều hòa.
Trong số này có một người 70 tuổi đã nghỉ hưu ở Sierra Madre, bang California. Ông tự nhận mình "may mắn" khi có thể trang trải hóa đơn điện giữa cái nóng hiện tại.
![Tấm bảng hiển thị nhiệt độ 118 độ F (48 độ C) trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Phoenix, bang Arizona, ngày 18/7. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/07/22/33PE47U-preview-3105-1689991056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fj8E3VyFtzCxpQh9WTlA1A)
Tấm bảng hiển thị nhiệt độ 118 độ F (48 độ C) trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Phoenix, bang Arizona, ngày 18/7. Ảnh: AFP
Julia, 32 tuổi, quản lý dự án, sinh sống tại Gaithersburg, bang Maryland, cho hay gia đình đã quyết định đầu tư mua HVAC, hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí thân thiện môi trường trị giá 9.000 USD để lắp cho ngôi nhà hai tầng hồi đầu tháng.
Trước đó, hệ thống điều hòa cũ ở tầng một ngôi nhà của Julia bị hỏng giữa đợt nắng nóng cao điểm, khiến không khí trong nhà "nóng không chịu nổi".
"Hy vọng hệ thống HVAC này sẽ dùng được 10 năm", Julia bày tỏ. "Tôi may mắn là bố đủ tiền trả điều hòa. Nếu không sống cùng bố mẹ, tôi sẽ không trang trải nổi. Dù Maryland không phải khu vực nắng nóng đặc biệt ở Mỹ, thời tiết mùa hè bắt đầu nóng hơn vài năm qua. Mỗi lần đi xem nhà, điều đầu tiên mà môi giới bất động sản xem xét là hệ thống điều hòa mới hay cũ".
Seth Follansbee, môi giới bất động sản và chủ doanh nghiệp nhỏ ngoài 40 tuổi ở Fort Lauderdale, bang Florida, cho hay chi phí sử dụng điều hòa ngày càng cao hơn.
"Tiền bảo trì và sửa chữa điều hòa đã tăng đáng kể trong những năm qua", ông nói. "Hóa đơn điện cũng đang rất cao, khoảng 400 USD cho một ngôi nhà".
Follansbee sở hữu và quản lý hai căn nhà cho thuê, cho rằng nhiệt độ nóng như thiêu đốt trong những tuần qua sẽ ảnh hưởng tới nhiều máy điều hòa.
"Nhiệt độ kiểu này thực sự tấn công điều hòa, gây áp lực lên hệ thống máy, khiến chúng thường xuyên hỏng", ông nói. "Không có điều hòa nghĩa là không thể ngủ đêm trong nhà. Điều hòa là vật thiết yếu ở đông nam Florida".
![Lính cứu hỏa hạt San Bernardino dội nước làm mát trong lúc dập cháy ở Fontana, bang California, ngày 19/7. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/07/22/33PF9XQ-preview-3537-1689991056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kMKZfbd6aVLv3fTBtX3bqQ)
Lính cứu hỏa hạt San Bernardino dội nước làm mát trong lúc dập cháy ở Fontana, bang California, ngày 19/7. Ảnh: AFP
Đối với Daive, 53 tuổi, đến từ Bullhead City, Arizona, sống trong nhà không có điều hòa ở một trong những vùng nóng nhất nước Mỹ, là cuộc đấu tranh không hồi kết trong hơn một năm. Nhiệt độ trong thị trấn đã tăng lên 48 độ C ngày 21/7.
"Điều hòa cũ của tôi bị hỏng, nhưng tôi không đủ tiền sửa", Daive nói. Anh làm nghề rửa xe, đang thất nghiệp sau khi nghỉ việc để chăm sóc bố mẹ già trong đại dịch.
"Mua cục nóng mới tốn 3.000-4.000 USD, còn thay cả giàn mất khoảng 6.000-7.000 USD. Ban ngày, nhiệt độ trong nhà tôi có thể lên tới 51-54 độ C", anh nói. "Tôi phải đợi đến 10h, khi thư viện mở cửa, để tới đó cả ngày hưởng ké điều hòa, đến khi họ đóng cửa lúc 18-19h. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm lúc này".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)