Ở tọa đàm "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất trong đại dịch", ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội nhắc lại những thách thức, khó khăn doanh nghiệp trải qua trong đại dịch. Giãn cách kéo dài gây xáo trộn, biến động thị trường lao động và chuỗi cung ứng nguồn nhân lực. Thói quen lao động và các cung ứng dịch vụ cũng đứt gãy theo.
Đại diện Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội chia sẻ với khó khăn của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các doanh nghiệp. Ông cũng ghi nhận một số ý kiến liên quan đến những hạn chế, vấn đề còn tồn tại và chưa thống nhất của chính sách hỗ trợ người lao động, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng trong dịch.
Ông Chí Trường cho rằng vẫn phải nâng cao kỹ năng, bù đắp những thiếu hụt khi 37-40% lao động di chuyển về quê hoặc do ứng dụng khoa học công nghệ mới trong trường hợp dịch được kiểm soát, doanh nghiệp tái sản xuất. Đây là thách thức lớn với Bộ, ngành, cơ quan chức năng, các công ty lẫn bản thân nguồn nhân lực.
Các khách mời đồng tình trước phương án khuyến khích công, nhân viên thể hiện tình nghĩa với nhà sử dụng lao động - đối tượng đã chăm lo, đào tạo và hỗ trợ họ nhiều năm. Qua những phân tích hợp tình, hợp lý, nhân sự chắc chắn sẽ nghĩ đến việc thể hiện trách nhiệm với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần triển khai những chính sách khuyến khích các địa phương có người lao động. Ông Chí Trường dẫn chứng nhiều địa phương thăm hỏi, chăm lo sức khỏe nhân công về từ TP HCM, Bình Dương và một số nơi khác. Khi dịch được kiểm soát, lãnh đạo các tỉnh ấy sẽ phối hợp với doanh nghiệp đưa người lao động quay lại các khu công nghiệp, nhà máy, công ty...
Doanh nghiệp nên chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trang bị tự động hóa, hiện đại hóa cần kinh phí lớn và đòi hỏi thêm thời gian.
![Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ Trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/09/29/o-ng-nguye-n-chi-tru-o-ng-vu-t-9567-7983-1632909408.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OoRd6EvzshBVSd7l-nULAA)
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề, Bộ Lao động Thuơng binh và Xã hội.
Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề nhấn mạnh mục đích chung của chủ doanh nghiệp và người lao động là duy trì hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng sản xuất, tăng năng suất lao động và đảm bảo yếu tố cạnh tranh... An toàn sức khỏe, thu nhập của công nhân viên, doanh thu công ty và khả năng hội nhập, sự linh hoạt của nhân sự trong bối cảnh mới... cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Các gói hỗ trợ của Nhà nước sẽ áp dụng trong bối cảnh cụ thể và tùy từng đối tượng.
Bên cạnh đó, ông Trường cho rằng cần phải đánh giá lại chương trình học ở trường, lớp có phù hợp, phương thức đào tạo, kỹ năng được trang bị của các bạn trẻ... có đáp ứng yêu cầu công việc không.
Ông Trường cũng chỉ rõ chính sách đào tạo người lao động theo nhu cầu mới của khoa học công nghệ, cũng như sự thay đổi của quá trình sản xuất do đại dịch gây ra. Việc này đồng nghĩa nhân lực được trang mọi kỹ năng bị để thích ứng với quá trình mới. Theo ông, những hỗ trợ này chưa thể hiện kết quả ngay trước mắt, nhưng sẽ phát huy giá trị về lâu dài, khi đại dịch qua đi, nền kinh tế dần phục hồi...
Bộ Lao động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và thực thi việc chuẩn hóa kỹ năng nghề, cập nhật tiêu chí mới hàng năm.
Đại diện Bộ, ngành cho rằng quan trọng nhất vẫn là người lao động và chủ doanh nghiệp phải có chiến lược của mình. Bản thân người lao động cần trau dồi kỹ năng chuyên môn, phát huy sức sáng tạo, đề cao tính trách nhiệm, tự chủ và chia sẻ khó khăn với công ty.
Thi Quân