"Chúng tôi cần số củi đó, đặc biệt trong năm khó khăn này", ông Yiannis Dimitrakopoulos, 75 tuổi, chia sẻ trong lúc xếp hàng chờ nhận củi cuối tuần qua ở khu tự quản Glyfada.
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, hàng chục người cũng đang kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt như ông Dimitrakopoulos để có thể sưởi ấm nhà cửa trong mùa đông.
"Chúng tôi cố gắng lấy được nhiều củi nhất có thể. Chúng tôi có hệ thống sưởi ấm tập trung bằng dầu hỏa nhưng không có nhiên liệu để sử dụng", Erofili Generali, giáo viên ngoài 50 tuổi, cho hay.
Bà đứng quan sát trong lúc người chồng chất củi được lấy từ các khu rừng và công viên địa phương lên thùng xe.
![Người dân Glyfada, ngoại ô Athens, Hy Lạp nhận củi do hội đồng địa phương cấp hôm 20/10. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/26/-8215-1666769889.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GrWG0yMugXdXEbQRlpAmTA)
Người dân Glyfada, ngoại ô Athens, Hy Lạp nhận củi do hội đồng địa phương cấp hôm 20/10. Ảnh: AFP.
Thời tiết ở Glyfada không quá lạnh trong mùa đông, nhưng cư dân vùng ngoại ô phía nam Athens này vẫn cần sưởi ấm ngôi nhà của họ. Khi giá khí đốt tự nhiên tăng gấp 4 lần vào tháng 9, nhiều người bắt đầu lo lắng về cách sưởi ấm trong mùa đông.
Hy Lạp đang phục hồi sau tác động tài chính của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ. Khi lạm phát duy trì ở mức hơn 10% trong 6 tháng qua, giá thực phẩm và hàng hóa thiết yếu đã tăng vọt.
Ở Glyfada, nơi có dân số khoảng 90.000 người, các ngôi nhà chủ yếu được trang bị hệ thống sưởi tập trung, sử dụng dầu hỏa hoặc khí đốt tự nhiên.
"Chúng tôi cảm thấy bị phản bội khi giá khí đốt tăng đến mức cắt cổ", ông Dimitrakopoulos nói. Ông cho hay chính phủ Hy Lạp đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm những năm gần đây.
Một số ngôi nhà trong khu vực có lò sưởi, dù chúng không được sử dụng làm nguồn sưởi chính. Vì vậy, hội đồng khu vực đã vào cuộc để cung cấp củi miễn phí cho người dân.
"Nhiều cây cối trong rừng bị đổ trong trận bão tuyết hồi tháng 1. Chúng tôi quyết định cưa nhỏ chúng để cung cấp cho các hộ gia đình giữa khủng hoảng năng lượng, thay vì sử dụng làm nhiên liệu công nghiệp như trước đây", Annie Kafka, quan chức phòng vệ dân sự ở Glyfada, giải thích.
Hoạt động phân phát củi bắt đầu được triển khai đầu tháng này và diễn ra hai lần một tuần. Khoảng 3.000 hộ gia đình được hưởng lợi từ sáng kiến này. Trong khi đó, nhu cầu về củi đang bùng nổ. Khoảng 14.000 người đã đăng ký trên trang web hội đồng để được nhận củi, theo Kafka.
Các hộ gia đình được thông báo bằng tin nhắn trước khi có thể đến và chất đầy củi lên thùng xe. "Các gia đình gặp khó khăn sẽ được ưu tiên nhận củi", Kafka nói.
Tháng trước, hội đồng ở Zografou, vùng ngoại ô phía đông Athens, đưa ra sáng kiến tương tự. "Nhu cầu từ người dân khá cao", ủy viên hội đồng địa phương Dimosthenis Bouloukos cho biết.
Nhưng ở thủ đô Athens, sáng kiến này không được hoan nghênh, chủ yếu do những lo ngại về môi trường. "Đốt củi làm tăng đáng kể ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn như Athens vốn đã phải hứng chịu nhiều khí thải từ phương tiện giao thông", Petros Varelidis, người đứng đầu Cơ quan Môi trường Tự nhiên và Biến đổi Khí hậu, giải thích.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp từ năm 2008 đến 2018, lượng lớn cư dân thành phố đã sử dụng củi để sưởi ấm nhà vì không thể mua dầu hỏa hay khí đốt. Kết quả là các thành phố lớn của Hy Lạp bị bao phủ trong lớp khói mù ngột ngạt.
Người dân Glyfada nhận thức được tác động về môi trường do đốt củi, nhưng họ cho rằng không còn cách nào khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn phía trước. "Đó là một hình thức tái chế, ngay cả khi nó gây ô nhiễm. Trong năm nay thì việc làm này cũng hợp lý thôi", ông Dimitrakopoulos nhấn mạnh.
Huyền Lê (Theo AFP)