Gần cầu Long Thành (phía bên huyện Long Thành, Đồng Nai) vào chiều 19/12, một nhóm người đi làm đồng về chui qua hàng rào dân sinh, đứng bên lề đường để đi qua cao tốc. Cuối tuần xe đông và chạy nhanh nên phải mất chừng 15 phút nhóm người này mới băng qua đường để về nhà. Lúc này, một nhân viên quản lý tuyến đường phát hiện đến nhắc nhở.

Người dân băng qua cao tốc trong khi các xe vẫn chạy với tốc độ cao qua xã Tam An, huyện Long Thành, chiều 19/12. Ảnh: Quỳnh Trần.
Cách vị trí trên 15-20 km, nhiều điểm rào chắn cao tốc qua hai huyện Cẩm Mỹ, Long Thành bị phá dỡ. Riêng khu vực xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) có gần 20 điểm rào bị phá, phía bên trong hiện rõ đường mòn. Người dân ở khu vực này cho biết những điểm phá dỡ có từ lâu song chưa được rào chắn lại. Hàng ngày vẫn có người băng qua rào đi ra khu vực cao tốc.
Ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn cho hay, những hàng rào bị mở do một số người vào cắt cỏ rồi không đóng. Xã nhiều lần nhắc nhở, vận động người dân không được xâm phạm khu vực giới hạn an toàn cao tốc, đặc biệt là hàng rào bảo vệ. Hai nông trường cao su đóng trên địa bàn xã phải đảm bảo an toàn khi công nhân đi làm, không tạo ra nguy hiểm cho xe chạy trên cao tốc. Hiện các điểm rào chắn bị phá dỡ đã được xã đóng lại.
Về phía công ty quản lý cao tốc, ông Phan Đam Sa, Trưởng Trung tâm điều hành đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết đã nắm được sự việc và đang phối hợp với địa phương khắc phục trên toàn tuyến.

Một điểm hàng rào bị phá tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, đưa vào khai thác năm 2015, là tuyến đường huyết mạch của các tỉnh phía Nam. Đây là một trong những tuyến cao tốc có lượng xe đông nhất khi trung bình mỗi ngày đạt hơn 52.000 lượt. Mới đây tuyến đường được đề xuất mở rộng với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao.
Sự việc người dân băng ngang đường cũng xảy ra ở cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát (đơn vị khai thác tuyến đường) cho hay cao tốc này dài 19 km, nối sân bay Liên Khương đến đèo Pren (Đà Lạt). Toàn tuyến có 6 cầu vượt và hầm chui nhưng lâu nay người dân ít sử dụng mà phá hàng rào để đi qua đường cho gần, gây nguy hiểm cho cả người đi lẫn xe chạy trên cao tốc.

Xe máy chạy ngược chiều trên cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Ảnh: Khánh Hương.
"Hầu hết người dân băng ngang như vậy có nhà bên này nhưng vườn và rẫy nằm bên kia đường. Nhân viên công ty thường xuyên sửa chữa hàng rào và nhắc nhở người dân", ông Trưởng nói và cho hay UBND tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch đầu tư 200 tỷ đồng làm đường song hành với cao tốc để khắc phục tình trạng trên.
Phước Tuấn - Gia Minh