Theo quy định vừa được Bộ Chính trị ban hành, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân đồng thời được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm; quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
Các biện pháp bảo vệ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ sẽ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Chính trị quy định người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là cá nhân phản ánh, tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Người thân của họ gồm vợ (chồng), cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu phải kịp thời chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền thông tin đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện bảo mật thông tin, tài liệu theo quy định pháp luật.
![Dự án xi măng Phú Sơn, Ninh Bình 5.000 tỷ đồng bỏ hoang gần hai thập kỷ. Ảnh: Lê Hoàng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/Du-an-xi-mang-5-000-ty-bo-hoan-4042-5591-1739255885.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4cTk7_EhV3xCUVJHytkjKQ)
Dự án xi măng Phú Sơn, Ninh Bình 5.000 tỷ đồng bỏ hoang gần hai thập kỷ. Ảnh: Lê Hoàng
Các cơ quan chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và lợi dụng việc này để tố cáo, tố giác, xuyên tạc sự thật, vu khống, gây rối nội bộ.
Theo quy định, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được biết về các biện pháp bảo vệ; quyền và nghĩa vụ khi được bảo vệ. Họ được đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ.
Những người này được bồi thường khi cơ quan có thẩm quyền không áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần của họ hoặc người thân.
Người đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về xử lý, giải quyết phản ánh, tố cáo, tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Họ phải tuân thủ yêu cầu của người có thẩm quyền trong bảo vệ, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực. Nếu có căn cứ xác định việc bị đe dọa, trù dập, trả thù hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, họ cần cung cấp và chấp hành kết luận giải quyết cuối cùng của tổ chức, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch, thực hiện biện pháp bảo vệ, phối hợp tổ chức bảo vệ, giải quyết khó khăn phát sinh trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bộ Chính trị cấm dùng bạo lực, gây áp lực, vu khống, cô lập, xúc phạm hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân; xâm phạm bất hợp pháp nhà ở, chỗ ở, chiếm giữ, hủy hoại tài sản, xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc có hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn cá nhân của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân.
Hành vi trả thù hoặc thuê, nhờ, xúi giục người khác uy hiếp tinh thần, trả thù người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người thân cũng bị cấm.