Nhắc đến Thanh Hóa thì chắc hẳn không ai trong chúng ta không biết đến thời tiết khắc nghiệt, nắng chói chang, cộng thêm gió Lào nóng rát hay những mùa mưa lũ ngập cánh đồng và cái rét cắt da cắt thịt nơi đây.
Chị tôi là con cả trong một gia đình có đến 7 chị em gái. Chị sống trong cái thời mà chỉ mới 20 tuổi con gái đã được gọi là ế. Chị lấy anh rể khi đang trong độ tuổi 22 tuổi. Anh là một người lính vừa đi nghĩa vụ về. Và qua sự sắp đặt của bố mẹ, anh chị đã lấy nhau.
Đám cưới diễn ra sau một năm thì chị sinh con. Sau khi bé ra đời thì chị hiểu cuộc sống vất vả thế nào và gánh nặng cơm áo gạo tiền quan trọng ra sao. Anh rể tôi là người có tính gia trưởng, sĩ diện bạn bè nên không đỡ đần gì được công việc nhà cho vợ. Anh thích chơi nhiều hơn làm, nên dù sinh con mới được một tháng chị phải đi làm để lo cho cuộc sống ra đình.
Vùng quê của tôi nghèo nên quanh năm thu nhập chỉ vỏn vẹn vài sào ruộng, được mùa thì không sao chẳng may thất bát thì cả nhà lại chỉ ăn toàn rau đi hái. Chị là một người giỏi chạy làm đủ nghề để lo cuộc sống cho gia đình. Cứ thế 4 năm trôi qua, chị lại sinh thêm một cháu nữa. Giữa thời buổi kinh tế thị trường thì chị lại càng phải cố lao vào kiếm tiền. Chị quần quật ngày đêm để lo cuộc sống cho cả gia đình. Đây chính là những ký ức của đứa bé 10 tuổi trong tôi về người chị gái mà tôi luôn khâm phục.
Năm tôi lên lớp 8, bố tôi qua đời, mọi vất vả lo toan mẹ và chị gánh vác nuôi chúng tôi ăn học, cùng lúc đó ở quê rộ lên việc con gái ra nước ngoài làm giúp việc với mức lương hấp dẫn. 10 triệu đồng một tháng là con số lớn đối với thời điểm hiện tại. Vì phải lo cho kinh tế gia đình, lo cho mẹ, cho em, cho chồng, cho con, nên chị quyết định học tiếng để ra nước ngoài. Nhưng khi học tiếng xong thì chị đi khám bệnh và phát hiện mắc phải căn bệnh viêm gan B nên không thể đi được. Chị đành lẳng lặng ở lại quê tiếp tục công việc mưu sinh.
Thời gian trôi qua, ở quê lại rộ lên việc đi Trung Quốc mà không cần hộ chiếu, không cần khám sức khỏe, không có bảo lãnh của đơn vị chủ quản, nên chị vẫn quyết định đi để giúp đỡ kinh tế cho gia đình. Một mình nơi dất khách, chị không biết tiếng, không có người bảo lãnh cùng với quyết tâm thay đổi kinh tế, nên chị lao vào làm việc và tai nạn xảy ra với chị. Vì chị làm với tốc độ cao nên máy đã cuốn vào tay chị, tôi lo lắng khi bên đó chị không quen ai, lại không biết tiếng thì phải làm sao.
Dù đau đớn trong nước mắt nhưng chị vẫn dặn không được nói cho anh rể cũng như cháu cho mọi người yên tâm. Nước mắt tôi giàn dụa khi nghe chị nói như thế vì một đứa sinh viên năm 3 như tôi chưa thể giúp được gì cho chị vào lúc này ngoài tinh thần cả. Đau đớn là thế nhưng chị vẫn lo lắng cho mọi người... Tôi càng thấy mình nhỏ bé và có chút gì đó hơi vô dụng. Quả thật cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền không đầy hoa hồng như trong suy nghĩ của một đứa sinh viên, mà nó chứa đựng mồ hôi, nước mắt, tình thương và rất nhiều đau đớn.
Nỗi niềm xa xứ và vết thương của chị đến bao giờ nguôi. Một năm nữa chị sẽ trở về, em và mọi người mong chờ chị từng ngày. Chị hãy cố giữ sức khỏe và niềm tin, chị nhé.
Vũ Thị Hương
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com