Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo 2018, người tố cáo có một trong các quyền đó là được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Khoản 3 Điều 8, khoản 2 Điều 11 Luật Tố cáo quy định, khi giải quyết tố cáo, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền cũng không được phép tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo. Đồng thời, họ có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Như vậy, với các quy định nói trên, bạn không có quyền được biết ai là người đã tố cáo. Trường hợp cho rằng bị tố cáo sai, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 10 bạn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo đã có hành vi bịa đặt, vu khống, tố cáo sai sự thật. Trong quá trình giải quyết, bạn có quyền giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật.
Trường hợp việc tố cáo là sai thì người bị tố cáo được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, người tố cáo sai có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thị Phương Hoa
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội