Đọc thông viết thạo rồi mới có thể tính đến những cấp độ tri thức cao hơn. Vì vậy, mấy ngày nay, tôi suy nghĩ mãi về trường hợp em học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng chưa biết đọc biết viết tiếng Việt. Tôi cũng suy nghĩ mãi để tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao lại để đến nông nỗi này khi việc dạy cho học sinh biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ là nhiệm vụ hàng đầu của giáo viên tiểu học. Đối với những người làm giáo dục, không có gì đáng hổ thẹn và đau lòng hơn việc một học sinh bị trường cấp hai từ chối tiếp nhận và trả lại cấp một.
Có rất nhiều lời trách móc cũng như quy kết trách nhiệm cho những giáo viên trực tiếp dạy em. Không thể phủ nhận lỗi phần nhiều thuộc về giáo viên khi để tình trạng này kéo dài suốt 5 năm tiểu học. Sự vô trách nhiệm hoặc dễ dãi trong giáo dục, sự né tránh hoặc đùn đẩy khó khăn, hay sự cả nể hoặc thương cảm… những biểu hiện rất phổ biến ở chốn học đường chính là căn nguyên làm nảy sinh thực trạng cho qua, cho lên lớp, rồi cho tốt nghiệp và cuối cùng là cho ra đời rất nhiều sản phẩm giáo dục lỗi, ở mọi cấp học.
Nhưng cũng không thể không nói đến vô số áp lực đang dồn giáo viên nói chung và giáo viên của em học sinh này nói riêng vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là những yêu cầu về đạt chuẩn, những chỉ tiêu về thành tích, những cuộc đua giành thứ hạng, trong khi học sinh không phải em nào cũng chăm, em nào cũng giỏi… Khi bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, các thầy cô trực tiếp đứng lớp không còn cách nào khác là phải làm liều.
Em học sinh ở Sóc Trăng có thể cũng là một trường hợp mà giáo viên buộc phải làm liều, cho lên lớp, bất chấp em chưa biết đọc biết viết, bất chấp phụ huynh xin cho con ở lại lớp.
Chúng ta có thói quen viện ra rất nhiều lý do tưởng chừng hợp lý để biện minh cho những cái sai. Nhưng tôi nghĩ, một khi đã sai thì chẳng có lý do gì để biện minh được cả.
Mọi chuyện hẳn sẽ êm xuôi nếu như trường cấp hai đó tiếp nhận em và lại tiếp tục làm liều suốt những năm học tiếp theo. Sẽ thật nguy hiểm khi chúng ta làm liều mà không hề biết sợ.
Tôi đã viết bài "Nỗi xấu hổ Học sinh giỏi" để chia sẻ một quan điểm nhất quán trong giáo dục là hãy để học sinh đứng đúng bậc thang kiến thức của chính mình. Các em học không phải để đạt thành tích cho trường lớp, không phải để thỏa mãn tham vọng của phụ huynh, không phải để quay cuồng ganh đua hơn thua, càng không phải để có một cuốn học bạ đẹp và được cộng điểm trong mỗi kỳ thi chuyển cấp. Các em học để hiểu biết, để tìm kiếm sự đam mê đích thực, để từng bước vượt qua những giới hạn năng lực của bản thân. Làm được điều đó, với tôi, các em là những học sinh giỏi thực sự.
Sự việc em học sinh lớp 6 không biết đọc biết viết theo tôi chỉ là một ví dụ, một trường hợp bị phát hiện. Chúng ta thường có cách giải quyết phổ biến cho các tình huống như thế này là lập tức xử lý kỷ luật giáo viên trực tiếp giảng dạy. Nhưng tôi nghĩ giáo viên đó chỉ là một cá thể của cả cỗ máy có quá nhiều sai sót. Và một khi cỗ máy có quá nhiều sai sót thì vận hành mắc lỗi là điều tất yếu.
Chừng nào giáo dục của chúng ta chưa thay đổi tận gốc thì sẽ còn không ít học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh ảo tưởng về thành tích học tập, học sinh lệch lạc về mục tiêu phấn đấu, và cũng sẽ còn không ít giáo viên bị xử lý kỷ luật khi các sự việc tồi tệ tương tự bỗng dưng bị phơi bày.
Đỗ Sông Hương