Xưa nay, nhiều người dân Quảng Nam đi xa làm ăn phải đau đầu giải thích với người đối diện vì "cái ca" nói thành "cái co", "cái ao" biến thể thành "cái ô", cái "nhà" thành cái "nhò", cái vườn thành "giường"...
Nhưng cách một bờ mương, giọng nói người dân thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn lại không giống chút nào. Người nơi đây sở hữu giọng nói chuẩn phổ thông, thoạt nghe như tiếng Sài Gòn, không có "chi, mô, răng, rứa" mà chỉ có "gì, đâu, sao, thế".

Chỉ cách nhau cái cổng làng đã tạo nên sự khác biệt lớn về văn hóa giữa thôn Lộc Đại và thôn Nghi Sơn bên cạnh. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Người lạ bước qua cổng làng, người dân bắt chuyện, hỏi han "Cậu ở đâu đến đây?", thay vì "Cậu ở mô đến đây?".
Người biết nhiều nhất về lịch sử ngôi làng, ông Trần Công Lý (70 tuổi, thôn Lộc Đại), cựu chiến binh hơn 10 năm đánh Mỹ, nhiệt thành chia sẻ: "Ai trong làng cũng biết nơi này được gọi là 'non Tàu khe Nứa xứ', vì nằm ngay ngọn núi Tàu, có dòng thác Nứa chảy quanh năm. Ở đây không có 'mần răng rứa' mà chỉ có 'làm sao vậy'. Người biết thì không sao, người không biết là họ kỳ thị chúng tôi ngay vì cho rằng học đòi giả tiếng".
Ông Lý thuở nhỏ sống với bà nội là nghệ nhân hát bội, một người giao tiếp nhiều. Thế nên, ông được nghe nhiều câu chuyện từ các vị bô lão về nguồn ngạnh của vùng đất này, dù sử sách không ghi lại.
Hầu hết người Quảng Nam phát âm từ "a" thành "o", ví dụ từ "ngoài làng" bị phát âm chệch thành "ngùa loàng", hoặc từ "này" thành "ni"..., thì người ở làng Lộc Đại lại phát âm rất chuẩn.
Ở Lộc Đại từ thuở lọt lòng đến giờ, ông Lý từng tiếp không ít chuyên gia văn hóa và các chuyên gia địa lý đến để tìm hiểu về giọng nói lạ của quê hương, nhưng hầu như vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Chỉ biết rằng, gốc gác của một số người dân ở đây từ các tỉnh phía Bắc vào khai hoang, nhưng phần còn lại đa số vẫn là người gốc Quảng.
Có người lại cho rằng do nguồn nước mà giọng nói ở đây khác biệt. Nhưng cũng một nguồn nước đó, chỉ cách cái cổng, ở làng kế bên, người dân vẫn nói giọng đặc sệt của người "Quảng Nôm". Ngay cả danh từ cũng không giống, người Quảng gọi thác, suối, nhưng ở đây lại gọi là hố, khe. Hay gọi đồi bằng gò, bằng dốc.
"Đi đâu cũng bị người ta quở 'chửi cha không bằng pha tiếng', nhưng oan quá, tự xưa nay dù có đi xa quê hương mấy chục năm giọng nói của tôi cũng không hề pha một chút nào. Đặc biệt, con em mới lớn đều nói giọng không khác gì người dân miền Nam. Nhiều khi con cháu đi học, nghe thầy cô nói giọng Quảng mà chẳng hiểu", ông Lý cười xòa.

Trẻ em thôn Lộc Đại nói chuẩn từ ngữ phổ thông hơn so với người lớn. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Chị Phạm Thị Hoa (giáo viên trường tiểu học Quế Hiệp, thôn Lộc Đại) cho biết: ''Tôi quê gốc ở thôn khác, về đây công tác phải tập giọng chuẩn để dạy cho các em vì nói giọng địa phương các em nghe chữ được chữ mất. Thế nên, nhiều người dân ở huyện Quế Sơn cho con về thôn Lộc Đại học để có được giọng nói chuẩn''.
Lớp trẻ đi ra từ làng đến thành phố học đại học luôn được khen rằng thuyết trình dễ nghe, dễ hiểu, nên tới miền nào trên đất nước cũng dễ dàng hòa nhập. Thậm chí nói là người Quảng Nam cũng chẳng mấy người tin.
"Nhiều khi tôi rất ngại phải gọi tên những người Quảng Nam khác. Chẳng hạn như ông Độ thì chẳng biết tên Đạo hay tên Độ, ông Tạo cũng chẳng rõ tên Tạo hay tên Tộ", anh Trần Phát Tuấn (27 tuổi, con trai ông Lý) góp chuyện.
Vì nói chuẩn, nên anh Tuấn đi học cũng viết đúng chính tả, không như những bạn Quảng Nam khác, hay bị viết sai vần "ao", như "thành phố" thì viết "thành pháo".
Theo ông Lý, ngoài giọng nói khác biệt, những tục lệ xa xưa của người dân nơi đây cũng hiếm nơi nào trên dải đất chữ S có. Như phụ nữ thế kỷ trước không được lấy chồng ở ngoài làng, nên nhiều người sống cảnh độc thân suốt đời. Đến những năm 2000, người ngoài vẫn rất khó khăn để vào được bên trong vì đường núi khó đi. Còn người dân đau ốm phải vác bộ 20 cây số để ra trạm xá.

Ông Trần Công Lý chỉ ngọn núi nơi vài chục năm trước, đa phần dân làng ở trên đó. Ngày nay, dân đã xuống hết vùng thung lũng ở. Ảnh: Trọng Nghĩa.
"Sau chiến tranh thôn Lộc Đại chỉ còn lác đác vài hộ dân. Nhưng đến nay, thôn đã có hơn 1300 nhân khẩu, là thôn có dân số đông nhất huyện. Ủy ban xã vẫn luôn đề cao chủ trương giữ gìn bản sắc quê hương, để giọng nói chuẩn của thôn Lộc Đại được duy trì 100% hộ gia đình", ông Trần Anh Toàn (phó chủ tịch xã Quế Hiệp, Quế Sơn, Quảng Nam) chia sẻ.
Trọng Nghĩa