Nếu được thông qua, "Đạo luật Bảo vệ Hong Kong" do hai nghị sĩ đảng Dân chủ James McGovern, Ro Khanna và nghị sĩ đảng Cộng hòa Christopher Smith đề xuất sẽ cấm các công ty Mỹ xuất khẩu hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và các công nghệ không gây chết người khác cho Hong Kong, nơi lực lượng cảnh sát đang đối mặt với chỉ trích vì cách phản ứng đối với người biểu tình.
Họ cũng yêu cầu Ngoại trưởng trình báo cáo chi tiết cho quốc hội về toàn bộ vật phẩm quốc phòng và các loại đạn đã được xuất khẩu cho thành phố trong 5 năm qua.

Người dân bỏ chạy khi cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay giải tán người biểu tình hôm 8/9. Ảnh: SCMP.
Dự luật của nghị sĩ Mỹ được đưa ra vài tháng sau khi chính phủ Anh dừng xuất khẩu thiết bị kiểm soát đám đông sang Hong Kong. Thông thường, chỉ một phần nhỏ các dự luật do nghị sĩ Mỹ đề xuất được Tổng thống ký thành luật. Ngay cả khi vượt qua nhiều rào cản thủ tục ở quốc hội, dự luật Hong Kong cũng sẽ mất nhiều tháng để đến được bàn làm việc của Tổng thống Trump.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tháng trước cho biết họ đã xem xét bằng chứng "đáng tin cậy" và kêu gọi điều tra lập tức việc quan chức thực thi pháp luật ở Hong Kong sử dụng vũ khí phi sát thương theo cách bị cấm. Theo cơ quan này, cảnh sát đã bắn hơi cay vào khu vực đông đúc, khép kín và bắn trực tiếp nhiều lần vào người biểu tình, gây nguy cơ đáng kể về thương vong.
Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong dường như đang nhắm đến các nhà cung cấp khác. Lực lượng này hồi cuối tháng 8 xác nhận họ đang có kế hoạch mua thiết bị chống bạo động từ nhà sản xuất ở Trung Quốc đại lục. Áo giáp cá nhân của nhà cung cấp này có giá khoảng 420 USD/ bộ và cùng loại với loại được cảnh sát đại lục sử dụng. Trung Quốc cũng dự kiến đẩy mạnh sản xuất hơi cay trước nhu cầu gia tăng cả trong và ngoài nước.
Biểu tình bùng phát ở Hong Kong từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực tài phán thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Đụng độ bạo lực liên quan đến cảnh sát, người biểu tình và những người đối đầu đã khiến hàng chục người phải nhập viện. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 4/9 thông báo rút hoàn toàn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, bà từ chối đề nghị điều tra độc lập việc cảnh sát sử dụng bạo lực, một trong 4 yêu cầu còn lại của người biểu tình.
Huyền Lê (Theo SCMP)