Cũng cần lưu ý rằng bạn phải xem bằng một mắt chứ đừng xem bằng hai mắt, nhất là với những bức tranh có kích thước không lớn lắm.
Trong một cuốn sách hướng dẫn, nhà tâm lý học người Anh V. Kacpenter đã viết về vấn đề đó như sau: "Từ lâu người ta đã biết rằng khi chăm chú nhìn những bức tranh có điều kiện phối cảnh, ánh sáng, bóng và cách sắp xếp các bộ phận phù hợp chặt chẽ với thực tế được vẽ, thì tranh sẽ cho những ấn tượng sinh động hơn nếu ta nhìn bằng một mắt chứ không phải nhìn bằng hai mắt. Hơn nữa khi ta nhìn qua một ống để không phải thấy quang cảnh ngoài rìa bức tranh thì hiệu quả còn rõ rệt hơn nữa. Trước đây sự kiện đó đã bị giải thích hoàn toàn sai lệch. Becon nói rằng: "Chúng ta nhìn bằng một mắt tốt hơn bằng hai mắt, vì rằng những linh hồn sống tập trung vào một chỗ và hoạt động mạnh hơn".
Thực tế khi đứng cách tranh một khoảng vừa phải và xem bằng hai mắt thì sẽ chỉ thấy là một hình ảnh phẳng; còn khi chỉ nhìn bằng một mắt thì trí óc chúng ta dễ thu được ấn tượng phối cảnh, ánh sáng, bóng... Do đó khi chúng ta chăm chú xem tranh thì chẳng mấy chốc sẽ thấy hình ảnh trong tranh nổi hẳn lên và có khi thấy y chang như phong cảnh thực ở ngoài. Mức độ hoàn thiện của ảo giác chủ yếu phụ thuộc vào sự diễn đạt của họa sĩ khi đem hình ảnh thực của các đồ vật chiếu lên mặt phẳng của bức tranh... Sở dĩ cách nhìn bằng một mắt trong những trường hợp này có lợi là vì trí óc của người xem khỏi nhận định bức tranh theo ý nghĩ chủ quan của người đó trong khi không có gì bắt buộc họ phải nhìn thấy nó là một hình ảnh phẳng".
Những tấm ảnh thu nhỏ của các bức tranh lớn thường cho ảo giác về hình nổi đầy đủ hơn nguyên bản. Bạn sẽ hiểu rõ tại sao như thế nếu nhớ lại rằng khi thu nhỏ tranh lại thì khoảng cách thường là lớn mà ta cần giữ khi xem tranh cũng rút ngắn đi. Vì vậy ngay khi đứng gần để xem ảnh ta cũng thấy các hình nổi hẳn lên.
(Theo sách Vật lý vui)