Ba mươi Tết, tôi đứng bên bến xe buýt để bắt xe ra ngoại ô. Tuyết đã phủ đầy, vẫn rơi nhưng không xối xả như những dòng người vội vã bước qua. Xe buýt rồi cũng đến. Theo hàng đã xếp, tôi bước lên xe rồi ngồi bên cạnh cửa sổ. Lấy tay xóa những mảng hơi nước đọng mờ trên cửa kính, tôi thấy những ánh đèn, từng hàng cây trơ trọi lao đi vun vút. Hình ảnh ồn ào, chen lấn nơi thành thị xa dần. Tôi đi đón Tết, cái Tết nơi xứ sở lạnh lẽo này.
Nơi tôi hay đến là một công trường xây dựng, anh em công nhân ở đây làm việc theo diện xuất khẩu lao động. Cũng chính nơi đây, tôi tìm thấy những điều gần gũi, mộc mạc nhất từ giọng nói của nhiều vùng miền, những câu chuyện kể và cả lối sống sinh hoạt rất Việt Nam.
Mâm cỗ Tết của công nhân Việt tại Nga. Ảnh: Lê Thanh Tùng. |
Nơi ở và sinh hoạt của anh em là một căn phòng hẹp chiều ngang nhưng lại rất dài, gọi là phòng chứ thực ra là chiếc công-ten-nơ với đầy đủ giường, bàn ghế bên trong để thuận lợi cho việc di chuyển tới những công trường khác nhau. Anh em công nhân hầu hết là lao động thuần túy, có người đã từng bôn ba từ vùng địa đầu đến cực Nam tổ quốc, có người mới học xong lớp bổ túc cấp III… Họ bỏ lại cuộc sống nơi quê nhà, bỏ lại gia đình thân yêu, đánh đổi để có thể sang đây lao động, mong được đổi đời. Cuộc sống của những người công nhân chỉ bó hẹp nơi công trường. Công trường là cuộc đời họ.
Anh em không mong đến Tết. Mỗi lần nhắc đến Tết là mỗi lần khắc khoải nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương. Mỗi lần Tết đến là lại mong có lương sớm để kịp gửi về nhà: nào quà cho mẹ cha, nào quà cho lũ trẻ. Dẫu vậy, để an ủi lẫn nhau, họ vẫn cố gắng tổ chức một cái Tết với những món ăn, hương vị quen thuộc.
Do không trùng với dịp nghỉ Tết Dương lịch nên cố gắng lắm, các anh cũng chỉ được nghỉ 3 ngày theo lịch làm việc của công ty nước sở tại. Không khí những ngày cuối năm rộn rịp, ai cũng cố gắng hoàn thành sớm công việc để có nhiều thời gian chuẩn bị Tết. Trong mỗi căn phòng, những bàn thờ với hoa quả, khói hương cũng được bài trí trang trọng. Lá gói bánh được chuyển về từ những khu chợ người Việt cách đó khá xa.
Quanh năm quen tay với những công việc mang vác nặng nhọc không làm cho những bàn tay trở nên thô cứng. Nhìn những chiếc bánh chưng vuông vức, đẹp đẽ từ cách buộc lạt hay những bó giò chắc nịch treo trong phòng thật hấp dẫn. Bài hát du dương quen thuộc về ngày Tết đâu đó đã cất lên; tuyết vẫn rơi đều, vương cả lên những cành mai giả dựng cạnh lối đi.
Anh em tập trung lại ở một phòng để đón giao thừa. Khoảnh khắc ấy rồi cũng đến nhưng bớt thiêng liêng hơn bởi thay vì đợi kim giờ điểm số 12 thì nay tất cả chờ đến số 9 do lệch múi giờ. Không gian bắt đầu yên lặng khi trên kênh truyền hình quốc tế bắt đầu xuất hiện đồng hồ đếm ngược. Ồn ào nhất có lẽ là thời điểm ấy, tiếng chúc tụng đầu năm nghe sao rộn rã. Trong giây phút hiếm hoi, những phiền lo trên từng khuôn mặt tan biến hết, chỉ còn niềm hân hoan tươi mới đến lạ kỳ.
Khi tiệc tan cũng là lúc mọi người cùng ngồi lại, kể cho nhau những câu chuyện đầy ắp cảm xúc. Tôi đã chẳng ngạc nhiên khi thấy những giọt nước đọng trên những đôi mắt tưởng như đã khô, những giọt nước lăn trên khuôn mặt đã chai sần. Trong dòng tâm sự, tôi còn thấy ở các anh lòng hiếu thảo khi nhắc đến cha mẹ, tình yêu quê hương, niềm hân hoan khi nhắc đến vợ con và cả một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Những câu chuyện cuốn hút tưởng như có thể kéo dài cả đêm…
Tôi bị đánh thức bởi tiếng máy khởi động, tiếng anh em í ới gọi nhau lên công trường. Cả phòng vắng tanh, ở những chiếc giường bên cạnh, chăn gối đã gọn gàng. Ngó qua cửa sổ, từng nhóm công nhân khoác vai nhau kéo lên công trường trong những bộ đồ cồng kềnh. Cái khí thế hừng hực, hăng say của một ngày mới thật đẹp biết bao. Tôi nhận ra giá trị tâm linh lớn lao của cái Tết, nó không chỉ làm đẹp thêm tiềm thức của mỗi người mà còn mang đến khát vọng cao cả vào cuộc sống.
Tôi để lại mấy dòng nhắn cho các anh rồi thu xếp trở về. Tiếng nói quen thuộc xa dần, hình ảnh công trường cũng đã khuất sau những ngôi nhà cao nhưng cảm giác hân hoan còn theo tôi về đến tận thành phố.
Lê Thanh Tùng