Thách thức từ đại dịch
Ảnh hưởng sâu rộng của Covid-19 trong suốt gần hai năm qua đã buộc nhiều nhà bán lẻ ngành thời trang tại đảo quốc sư tử làm quen với định hướng mới khi phương thức sản xuất hàng loạt gặp trở ngại và không còn phù hợp. Các lệnh giãn cách xã hội và phong tỏa nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan kéo theo tình trạng gián đoạn nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may. Thiếu hụt nguyên liệu là nguyên nhân chính khiến dây chuyền may mặc ngành hàng thời trang tại đây đối mặt nguy cơ đứt gãy.
Mặt khác, đại dịch cũng làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, chú trọng mua sắm những mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Trong khi ngành hàng may mặt lại ghi nhận sụt giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sản lượng xuất khẩu hàng dệt may tại châu Á đã giảm đến 70% chỉ trong nửa đầu năm 2020. Khảo sát của Milieu Insight thực hiện năm 2020 cũng chỉ ra rằng 43% người tiêu dùng tại Singapore đã giảm bớt chi tiêu cho thời trang. Trong khi 24% cho biết họ hoàn toàn không mua sắm sản phẩm thời trang nào trong thời dịch.
Tất cả những thách thức trên đòi hỏi các thương hiệu cần có những giải pháp thích nghi phù hợp hơn với tình hình. Các chuyên gia ngành gợi ý một số biện pháp như: hạn chế tồn đọng hàng hóa (overstock) bằng cách chuyển sang sản xuất theo yêu cầu; sử dụng chất liệu nội địa, thân thiện môi trường, tránh phụ thuộc nguồn hàng nhập khẩu...
Phát triển bền vững
Định hướng hát triển bền vững lấy con người, môi trường làm cốt lõi hiện được nhiều doanh nghiệp ở đa dạng lĩnh vực hướng đến, bao gồm cả thời trang. Xu hướng này xuất phát từ việc người tiêu dùng toàn cầu ngày càng chú trọng đến những yếu tố tác động tới môi trường, nhất là các loại nguyên vật liệu và chất thải sau sử dụng.
Theo khảo sát "Tâm lý người tiêu dùng về tính bền vững trong ngành thời trang" do McKinsey công bố năm 2020, 63% người thực hiện khảo sát cân nhắc lựa chọn những thương hiệu lấy yếu tố "bền vững" làm cốt lõi kinh doanh khi ra quyết định mua sắm.
Mặt khác, thời trang phát triển theo hướng bền vững cũng là giải pháp lý tưởng giúp các thương hiệu giảm bớt chi phí, nguồn lực và hạn chế tác động đến môi trường xung quanh. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Singapore đang ngày càng quan tâm hơn tới "thời trang bền vững".
Tại đảo quốc sư tử, mua sắm được xem là sở thích "quốc dân", đứng số một với tỷ lệ gần 50% người yêu thích trong một khảo sát năm 2019. Từ năm 2014, Singapore chính thức tham gia "cách mạng thời trang" toàn cầu. Chính phủ nước này kêu gọi người tiêu dùng, các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà cung cấp, các hiệp hội và giới truyền thông báo chí, cùng tạo ra sự thay đổi cục bộ trên quy mô lớn, hướng đến ngành công nghiệp thời trang minh bạch và bền vững hơn.
Hưởng ứng lời kêu gọi, các thương hiệu thời trang tích cực tìm kiếm cách thức sáng tạo nhằm thu hút khách hàng tham gia vào hành trình thời trang bền vững. Đơn cử có thương hiệu thời trang Ginlee Studio, nổi tiếng với những thiết kế xếp ly thanh lịch, khác biệt.

Ý tưởng "Make in shop" (Sản xuất tại cửa hàng) khiến khách hàng của Ginlee thích thú, hài lòng hơn khi được tận mắt chứng kiến quá trình xếp ly vải thủ công và cá nhân hóa món hàng của mình. Ảnh: Ginlee Studio
Ra mắt trong tháng đầu của đợt giãn cách xã hội năm 2020, sáng kiến Ginlee GOOD, viết tắt của "get order on demand" (Đặt mua theo yêu cầu) của thương hiệu này cho phép khách hàng đặt trước, chờ 3-5 tuần để nhận thành phẩm hoàn chỉnh và hưởng chiết khấu 15%.
Ngoài ra, thương hiệu còn tiếp tục ra mắt sáng kiến Ginlee MAKE - cho phép khách hàng lựa chọn trước màu sắc và kiểu dáng phụ kiện. Sau đó, khách hàng sẽ được tận mắt quan sát công đoạn xếp ly và hấp truyền thống của Singapore, được thực hiện hoàn toàn thủ công ngay tại cửa hàng Ginlee. Sau thành công với những chiếc túi và vỏ gối được mở bán với hình thức này, Ginlee MAKE tiếp tục cho ra mắt các mẫu áo trong tháng 12/2020.

Một mẫu áo được sản xuất theo sáng kiến Ginlee MAKE của Ginlee Studio. Ảnh: Ginlee Studio
Theo Gin Lee, nhà đồng sáng lập thương hiệu Ginlee Studio và từng đạt giải Nhà thiết kế nổi bật của năm tại Singapore Fashion Awards 2016, MAKE và GOOD đều là những sáng kiến đơn giản nhưng mang đến lợi ích thiết thực cho khách hàng lẫn thương hiệu. Sáng kiến này giúp thương hiệu giảm thiểu chi phí, nguồn lực cho việc sản xuất hàng loạt so với trước đây, hướng tới quy trình bền vững mới mang tên "thời trang chậm".
Năm 2020, Ginlee Studio được xếp vào nhóm những thương hiệu "Made with Passion" - một sáng kiến của Singapore nhằm tôn vinh các thương hiệu địa phương, biến đam mê thành hiện thực.
"Chúng tôi tự hào với sứ mệnh tạo ra những bộ trang phục mang vẻ đẹp vượt thời gian và xu hướng cho phái đẹp. Đồng thời, chúng tôi cũng tin rằng việc kinh doanh dù định hướng thế nào vẫn nên hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Trên thực tế, tôi nghĩ bất cứ ai làm việc trong ngành thời trang cũng cần suy nghĩ về vấn đề này để vẽ nên tương lai bền vững hơn cho tất cả", nhà thiết kế Gin Lee nhận định.

Cửa hàng Ginlee Studio tại một trung tâm thương mại ở Singapore. Ảnh: Ginlee Studio
Đại diện thương hiệu thừa nhận chiến lược kinh doanh độc đáo không chỉ giúp Ginlee Studio nổi bật trên thị trường thời trang, mà còn góp phần lan tỏa khái niệm "thời trang bền vững" đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Tại Việt Nam, báo cáo về môi trường và phát triển bền vững "Who Cares Who Does 2020" của Kantar Việt Nam cũng cho thấy người dùng Việt hy vọng các doanh nghiệp sản xuất thời trang giảm thiểu sự tác động tiêu cực đến môi trường.
Trong khi báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cũng chỉ ra rằng ngành công nghiệp may mặc tạo ra lượng khí thải carbon chiếm tới 10% tổng lượng khí thải toàn cầu hàng năm. Tỷ lệ này cao hơn lượng khí thải phát tán của tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại.
Theo đó, các doanh nghiệp thời trang Việt có thể cân nhắc định hướng phát triển bền vững mà một số doanh nghiệp thời trang tại Singapore đang áp dụng, trong đó có Ginlee Studio. Đây có thể là bài học hữu ích, thay vì chờ đợi đại dịch qua đi, các doanh nghiệp thời trang có thể tìm ra những hướng đi đột phá, sáng tạo để thích nghi với hoàn cảnh, "chuyển nguy thành cơ".
Nhà sáng lập thương hiệu Ginlee Studio chia sẻ cách thương hiệu hình dung lại sự bền vững.
Thy An