![mikhail-kutuzov-2782-1438595952.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/08/03/mikhail-kutuzov-2782-1438595952.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OEydyA9vJV1JgX-BVBwgzA)
Chân dung nguyên soái Kutuzov. Ảnh: Wikipedia
Ngày 24/ 6/1812, Napoleon dẫn quân vượt sông Neman tiến vào đánh chiếm nước Nga. Sau chiến thắng trong trận đánh ngày 7/9/1812 tại Borondino (cách Moscow 120 km), Napoleon dẫn lính tiến vào Moscow, hy vọng Nga hoàng sẽ đầu hàng. Nhưng khi vào tới Moscow, trên đường phố không còn bóng người.
Tổng chỉ huy quân đội Nga, nguyên soái Mikhail Kutuzov, trước đó đã hạ lệnh đốt thành phố và di tản dân chúng. Không có lương thực, nước uống và nơi ở để chống chọi lại mùa đông nước Nga, Napoleon hạ lệnh rút quân. Trên đường rút lui, quân đội của Napoleon bị quân Nga chặn đường tấn công. Quân Pháp chịu thiệt hại lớn.
Nguyên soái Mikhail Kutuzov đã hai lần bị bắn vào đầu. Một viên đạn đi qua thái dương, gần mắt phải, phá thuỳ trán của ông năm 1774. Kutuzov được đưa sang châu Âu chữa trị nhưng từ đó ông có cách cư xử và hành vi bất thường. Năm 1788, Kutuzov bị bắn vào đầu lần nữa nhưng dần bình phục, dù vẫn bị chứng đau đầu hành hạ.
Tuy nhiên, Kutuzov vẫn chỉ huy quân đội chiến thắng binh lính của Napoleon, khi quân Pháp xâm lược nước Nga năm 1812, và trở thành một huyền thoại của nước Nga.
Kết hợp thông tin có được từ các nguồn dữ liệu ở Pháp và Nga, một nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Mark Preul đứng đầu, cùng với tiến sĩ Sergiy Kushchayev, Evgenii Belykh và các đồng nghiệp ở viện thần kinh Barrow, Mỹ kết luận rằng quyết định đốt thành phố của Kutuzov chịu ảnh hưởng của cuộc phẫu thuật não.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Giải phẫu Thần kinh học, nếu bác sĩ người Pháp Jean Massot không áp dụng "kỹ thuật hiện đại một cách khó tin" để phẫu thuật cho Kutuzov, nước Nga có thể đã thua trận.
"Những nguyên soái khác nghĩ Kutuzov bị điên, và có thể ông điên thật. Ca phẫu thuật não cứu sống Kutuzov nhưng khiến não và một mắt của ông tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, ông lại đưa ra được quyết định sáng suốt nhất. Nếu não không bị tổn thương, có thể ông ta đã đối đầu với Napoleon và bị đánh bại," Preul nói.
"Đây là câu chuyện về ảnh hưởng của y học đối với xã hội," Preul nhận xét. Thương tích của Kutuzov và cuộc phẫu thuật của Mussot vẫn còn nhiều bí ẩn do không được khám nghiệm tử thi lúc ông qua đời năm 1813. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đi đến đánh giá rằng Napoleon có thể đã không bị thua trận nếu không có Massot.
Dương Bùi (theo IB Times)