Nguyễn Việt Thành, lớp 11 trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), giành chiến thắng áp đảo trong trận quý I, chương trình Đường lên đỉnh Olympia, phát sóng hôm 1/1. Thành cho rằng ngoài may mắn, đây là thành quả sau một năm rèn luyện với gần 300 trận đấu tập của mình.
Trong một khoảng thời gian dài, Việt Thành có quan điểm học sâu một thứ vẫn hơn mỗi thứ biết một chút, nên cảm thấy mình không phù hợp với Olympia - sân chơi đòi hỏi kiến thức nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi vào THPT Sóc Sơn và tìm hiểu về Câu lạc bộ Olympia (OSS) của trường, Thành dần có cái nhìn khác về chương trình này. Em nhận ra "kiến thức đa dạng giúp mình ứng biến nhanh nhẹn hơn" và đặt mục tiêu tham dự Olympia.
![Việt Thành trước khi tham gia vòng loại cuộc thi Olympia Sóc Sơn, tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/06/ef5e91f5fd6e25307c7f-3933-1673004128.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tHc3nIfU9e-y5krZs4tj3w)
Việt Thành trước khi tham gia vòng loại cuộc thi Olympia Sóc Sơn, tháng 9/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoài Câu lạc bộ Olympia Sóc Sơn, Việt Thành còn gia nhập cộng động cựu thí sinh và học sinh muốn tham dự chương trình này. Trong năm lớp 10, Thành duy trì đấu tập mỗi tuần một lần với các bạn trong câu lạc bộ và thi đấu với thành viên ở cộng đồng Olympia. "Mùa hè năm ngoái, ngày ít thì em chơi 4-5 trận, nhiều thì 9-10 trận. Tổng số trận em đã đấu tập khoảng 300", Thành nhẩm tính.
Không phải học sinh nào gửi đơn đăng ký tham dự Olympia cũng sẽ trở thành thí sinh, nên khi nhận được giấy mời ghi hình của ban tổ chức hồi tháng 11/2022, Thành vỡ òa vì vui sướng. Tuy nhiên, nam sinh chỉ còn bốn ngày để chuẩn bị, và lịch thi đấu tuần, tháng, quý diễn ra trong ba ngày liên tiếp. "Chưa bao giờ em thi đấu những trận quan trọng với cường độ như vậy", Thành nói.
Trong từng trận đấu, nam sinh trường THPT Sóc Sơn thể hiện phong cách thi đấu điềm tĩnh, bản lĩnh. Trên màn hình, khán giả ít khi thấy Thành thể hiện cảm xúc, ngay cả khi em giành điểm, nhưng nam sinh cho biết trước khi chương trình bắt đầu, em đã lo tới mức không ăn được cơm, ho khan và chảy nước mắt. Để lấy lại tinh thần, Thành nghĩ về việc mình thua cuộc. "Khi đã nghĩ về kết quả tệ nhất, em thấy mình có động lực, bình tĩnh và quyết tâm hơn để điều đó không xảy ra", Thành bày tỏ.
Nam sinh đánh giá mình có thế mạnh trong những câu hỏi về Lịch sử, Xã hội và hiểu biết chung. Điều này được thể hiện rõ nhất tại phần thi Về đích của trận Quý I - cũng là vòng đấu khiến Thành nhớ nhất.
Trước khi Về đích, Thành có 215 điểm, cao hơn Đỗ Đức Anh (THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) 25 điểm. Em làm một phép toán nhanh trong đầu "Nếu chọn câu hỏi trị giá 30 điểm, hoặc câu 20 điểm nhân đôi, chỉ cần một lần Đức Anh bấm chuông và trả lời đúng, mình gần như hết cơ hội đảo ngược thế trận". Do vậy, Thành chọn ba câu hỏi 20 điểm và không sử dụng quyền nhân đôi bằng ngôi sao hy vọng. Dù không trả lời đúng câu nào trong gói Về đích của mình, Thành thở phào khi các thí sinh cũng không bấm chuông trả lời, điều này giúp em bảo toàn điểm số 215.
Thành cho rằng bước ngoặt của trận đấu là khi em trả lời đúng câu hỏi Lịch sử giá trị 30 điểm trong gói Về đích của Đức Anh, giúp nới rộng khoảng cách điểm lên gần 100. Tâm lý thoải mái vì đã đến rất gần chiến thắng, Thành tiếp tục giành điểm từ hai thí sinh còn lại, nâng tổng điểm chung cuộc của mình lên 325 - con số không nhiều thí sinh đạt được trong một trận thi quý.
![Việt Thành đại diện tặng hoa tri ân giáo viên trường THPT Sóc Sơn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/06/8f9821032fa3f7fdaeb2-4385-1673004128.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PbDZFpjJ3eIImmMps3BfJw)
Việt Thành đại diện tặng hoa giáo viên trường THPT Sóc Sơn hôm 20/11 năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nam sinh trường THPT Sóc Sơn cũng là số ít thí sinh trả lời đúng từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật trong cả ba trận tuần, tháng và quý. Thành nói không có chiến thuật cụ thể cho phần thi này. "Chỉ cần nghĩ được một cụm từ, có liên quan tới hàng ngang và một góc hình ảnh gợi ý, đủ số chữ cái mà chương trình yêu cầu, em sẽ bấm chuông trả lời luôn. Cân nhắc càng lâu thì càng dễ bị bạn chơi giành cơ hội", Thành nói, cho rằng khi số chữ cái đã khớp, thí sinh đã nắm trong tay 50% cơ hội trả lời đúng.
Thần tượng của Thành tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia là Hà Việt Hoàng, cựu học sinh THPT Sóc Sơn, từng vào chung kết Olympia năm 2017, Phan Đăng Nhật Minh và Nguyễn Hoàng Khánh, hai quán quân năm 2017 và 2021. Nam sinh nói học hỏi lối chơi điềm tĩnh, kiến thức đa dạng của các đàn anh. Ngoài việc học và đấu tập Olympia, thời gian rảnh, Thành sẽ đá bóng, xem tin tức và đọc sách. Em thường đọc những tác phẩm văn học nổi tiếng, thích nhất tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của tác giả Phùng Quán, và những sách khoa học.
Cô Vũ Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy Văn và chủ nhiệm Việt Thành từ lớp 10, cho biết luôn thấy câu học trò mang theo sách tới trường, tranh thủ đọc trước khi vào lớp hoặc giờ ra chơi. Cô Huyền ấn tượng với trí nhớ và hiểu biết về Lịch sử của Thành. "Bất cứ khi nào tôi hỏi về bối cảnh ra đời tác phẩm, Thành đều trả lời được", cô giáo nói và cho rằng kiến thức Thành có là thành quả sau thời gian dài tích lũy, không học "xổi" chỉ để tham dự Olympia.
Theo cô Huyền, Thành không làm cán sự lớp, tính cách không quá sôi nổi, nhưng luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động tập thể với tinh thần và trách nhiệm cao. Em còn là người chỉn chu, khiêm tốn và đem đến cảm giác tin tưởng khi làm việc cùng.
![Việt Thành khi được xướng tên là người chiến thắng cuộc thi quý I. Ảnh chụp màn hình](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/06/A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-01-5318-4705-1673004128.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LjbroJk90mAbZ9OFR2VJRw)
Việt Thành khi được xướng tên là người chiến thắng cuộc thi quý I. Ảnh chụp màn hình
Một năm thay đổi suy nghĩ và dành thời gian cho Olympia, Thành cho rằng bài học lớn nhất là dám thử những thứ mình không giỏi. Trước kia, nam sinh kém môn Văn và nghĩ không thể học được môn này. Khi tìm đọc kiến thức về tác giả, tác phẩm Văn học để chuẩn bị cho cuộc thi, Thành thấy mọi thứ không khó như mình nghĩ. "Olympia là chất xúc tác để em tiếp xúc với những lĩnh vực, kiến thức mới. Đúng là cứ mãi nghĩ khó thì không bao giờ làm được", Thành nói.
Là thí sinh đầu tiên giành vé vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2023, Thành còn khoảng 10 tháng để chuẩn bị cho trận cuối cùng. Nam sinh cho rằng có nhiều thời gian hơn ba đối thủ còn lại chưa chắc là lợi thế, mà cơ hội vô địch chia đều cho cả bốn thí sinh.
Thanh Hằng