Trước khi lấn sân kinh doanh, Công Nhật từng là TikToker, đồng thời, làm công việc truyền thông cho một công ty Trung Quốc. Khi làm quảng cáo với các nhãn hàng, một câu hỏi lớn đã thôi thúc Nhật thay đổi, tự hỏi "Các sản phẩm mình mặc và làm nội dung được rất nhiều bạn yêu thích, tại sao mình không tự tạo ra sản phẩm cho chính mình mà lại đi bán cho người khác".
Từ đó, chàng trai sinh năm 2001 quyết định nghỉ việc, từ bỏ thu nhập ổn định để khởi nghiệp. Để có vốn ban đầu, anh bán chiếc xe SH và bộ máy ảnh trị giá 80 triệu đồng, công cụ làm việc quen thuộc trước đó.

Vũ Công Nhật, cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa tại trường Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Giai đoạn đầu vận hành thương hiệu là một chuỗi thử thách. Công Nhật không có kinh nghiệm sản xuất hàng hóa, chưa hiểu chính sách của các sàn thương mại điện tử, biết làm nội dung nhưng không biết chạy quảng cáo. Anh kể lại, khó khăn nhất là khâu sản xuất. Khi đi gặp các xưởng, họ nói sao anh nghe vậy, bị trộn vải kém chất lượng, và phải thu hồi toàn bộ, chấp nhận lỗ vốn.
Thất bại đầu tiên khiến Công Nhật mất hàng trăm triệu đồng. Anh sụt 10 kg trong thời gian ngắn, rơi vào trạng thái mông lung, sợ hãi, không biết nên đi tiếp hay dừng lại.
"Mình mất ngủ triền miên, lúc nào trong đầu cũng chỉ luẩn quẩn suy nghĩ về công việc. Nỗi đau không đến một lần mà như cấu rỉa, vẫn rất đau", Nhật chia sẻ.

Công Nhật tự đóng gói, gửi hàng, vận hành thương hiệu những ngày đầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không nản chí sau thất bại, Công Nhật tận dụng lợi thế truyền thông để tiếp cận khách hàng. Anh nhận ra nhiều người mua hàng theo cảm xúc và xác định tư duy "Content là vua, quảng cáo chỉ là công cụ" là chìa khóa thành công.
Cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa FPT Polytechnic tập trung sáng tạo nội dung để giới thiệu sản phẩm theo hướng khác biệt hóa. Theo anh, sự khác biệt lớn nhất đến từ chính con người mình. "Áo không quá đặc biệt về dáng hay chất liệu, nhưng vẫn bán chạy nhờ cách mình truyền cảm hứng. Truyền thông chính là 'chiếc gương' giúp khách hàng thấy vẻ đẹp qua góc nhìn của mình", Nhật nói.
Anh cũng cho rằng "du học" không nhất thiết là ra nước ngoài, mà có thể đơn giản là thay đổi môi trường học tập và tiếp cận kiến thức mới. Anh chuyển từ theo dõi mạng xã hội Việt Nam sang các nền tảng quốc tế và dần hấp thụ cách tư duy và vận hành của họ.
Chiến lược này sớm phát huy hiệu quả. Những ngày khuyến mãi lớn, Womanwan bắt đầu có đơn ổn định. Mỗi đồng kiếm được, Công Nhật đầu tư vào sản phẩm: làm mẫu, quay chụp, gửi áo miễn phí cho người có sức ảnh hưởng. "Không có tiền cũng vẫn cố gửi. Ai xin là cho hết, miễn là họ mặc và đăng", anh kể.
Trong vài tháng, doanh thu của thương hiệu đạt 10 tỷ đồng. Hiện tại, Công Nhật đã xây dựng đội ngũ 12 người để quản lý kho, mạng xã hội và hoạt động bán hàng.

Công Nhật dần thành công, mua được món đồ ưu thích. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhật cho biết những kiến thức học tại FPT Polytechnic vẫn rất hữu ích. Anh ấn tượng với các môn Xây dựng thương hiệu và Nghiên cứu thị trường. Kiến thức về tư duy hình ảnh, bố cục, màu sắc giúp anh tự thiết kế nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Anh cũng nhớ mãi câu nói của một giảng viên đã truyền cảm hứng: "Lao động là sáng tạo". Câu nói thôi thúc anh bắt tay vào làm, vì chỉ khi đối mặt với vấn đề thì sự sáng tạo mới nảy sinh.
Công việc kinh doanh thời trang hiện tại giúp Công Nhật ổn định cuộc sống, mua nhà, mua xe phục vụ công việc. Trong tương lai gần, anh dự định tiếp tục phát triển thương hiệu Womanwan và xây dựng thêm một thương hiệu thời trang mới.