Trong báo cáo đầu tiên trước quốc hội hôm 14/10 theo Đạo luật Tự trị Hong Kong, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh "sự phản đối liên tục đối với các hành động có chủ ý của Bắc kinh nhằm làm xói mòn quyền tự do của người dân Hong Kong và áp đặt các chính sách cưỡng bức".
Cùng với báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ thêm 10 người vào danh sách đen "Công dân được chỉ định đặc biệt" phải chịu lệnh trừng phạt, gồm Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam với cáo buộc phá hoại quyền tự trị. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong vòng 60 ngày sẽ xác định các tổ chức tài chính thực hiện giao dịch quan trọng với những cá nhân này.
![Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại một cuộc họp báo hôm 6/10. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/10/15/carrie-lam-7756-1602732166.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RBo427IQGnErtrGfmZQijg)
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại một cuộc họp báo hôm 6/10. Ảnh: AFP.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao không thêm bất kỳ cá nhân mới nào vào danh sách cũng như không nêu tên bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào có nguy cơ bị phạt. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy các công ty này có thể phải chịu biện pháp trừng phạt thứ cấp, gồm hạn chế đối với các khoản vay của Mỹ, ngoại hối, giao dịch tài sản, xuất khẩu và chuyển nhượng.
Động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ được đánh giá là ít hiệu quả thực tế bởi chính phủ Mỹ hồi tháng 8 áp đặt các biện pháp trừng phạt bà Lam và 9 quan chức khác, gồm Giám đốc Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong Lạc Hựu Ninh và Cảnh sát trưởng Hong Kong Chris Tang.
Đạo luật Tự trị Hong Kong được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hồi tháng 7, đặt nền tảng cho các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng bị cáo buộc "tiếp tay cho cuộc đàn áp" ở đặc khu hành chính này. Luật yêu cầu Bộ Ngoại giao liệt kê những người bị coi là chịu trách nhiệm việc Trung Quốc không đáp ứng các nghĩa vụ đối với Hong Kong trong vòng 90 ngày và khiến họ phải chịu các lệnh trừng phạt.
Luật cũng yêu cầu danh sách bất kỳ tổ chức tài chính nào cố ý thực hiện các giao dịch tài chính quan trọng với những người này trong 60 ngày sau đó. Tổng thống Mỹ được quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân ngay khi họ bị nêu tên và kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính sau khi họ được xác định trong thời hạn một năm.
Các tác giả của đạo luật, vốn nhận được sự ủng hộ đông đảo trong quốc hội, gọi báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là 'cơ hội bị bỏ lỡ'.
"Báo cáo này cho thấy thật không may, chính quyền đang hành động quá chậm trong việc mở rộng số lượng cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm", thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen cho hay. "Tôi kêu gọi họ thực hiện các biện pháp bổ sung và hy vọng sẽ thấy chúng được phản ánh trong báo cáo tiếp theo mà chúng tôi nhận được".
Việc công bố báo cáo được theo dõi chặt chẽ ở Hong Kong vì các dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể siết chặt trừng phạt đối với các ngân hàng lớn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai chỉ trích tập đoàn ngân hàng khổng lồ HSBC, cáo buộc hãng này làm ăn với các cá nhân bị trừng phạt và "đóng tài khoản của những người tìm kiếm tự do".
Hong Kong nằm trong loạt vấn đề căng thẳng khiến quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Mâu thuẫn leo thang kể từ khi Bắc Kinh áp luật an ninh quốc gia mới tại đặc khu, động thái bị giới phê bình đánh giá vi phạm nghiêm trọng quyền tự trị theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ".
Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với một số quan chức Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong liên quan tới việc soạn thảo và thi hành luật an ninh. Trưởng đặc khu Carrie Lam đã chỉ trích hành động này của Mỹ là "vô liêm sỉ và đáng khinh", song thừa nhận lệnh trừng phạt gây ra một chút bất tiện cho bà khi không thể sử dụng thẻ tín dụng.
Huyền Lê (Theo AFP, Wionews)