Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối ở tuổi ngoài 30 khiến cuộc sống chị hoàn toàn đảo lộn. Khi ấy, con trai mới hơn hai tuổi, vợ chồng chia tay, một mình chị phải cáng đáng kinh tế, là lao động chính chăm sóc cho cả người mẹ già. Một tuần ba ngày vào viện chạy thận, thời gian còn lại chị vẫn gắng gượng với công việc trình dược viên.

Người phụ nữ xúc động khi hồi phục sức khỏe nhờ quả thận hiến từ người chết não. Ảnh: Bích Hạnh
Khó khăn chồng chất bởi chạy thận tiêu tốn thời gian, khiến người phụ nữ yếu ớt hơn, dễ mệt, đôi khi ngất xỉu, không thể hoàn thành tốt công việc như trước, thu nhập giảm sút. Trong khi đó, chị lại phải tốn thêm khoản viện phí hàng tháng, khiến cuộc sống vật chất ảnh hưởng rất nhiều.
"Vừa đau đớn buồn bã vì cảnh bệnh tật, tôi còn tủi thân vì cảm giác không lo chu đáo được cho con, khiến con trai thiệt thòi", bệnh nhân tâm sự.
Do biến chứng trong quá trình chạy thận, chị phải mổ cầu tay 4-5 lần, bác sĩ tiên lượng không thể duy trì phương pháp lọc máu này quá lâu. Chị ghi tên vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - "chiếc phao cứu sinh" cuối cùng, song không dám đặt nhiều hy vọng.
Buổi trưa cuối tháng 6, đang nấu ăn thì bệnh nhân nhận được cuộc gọi từ bệnh viện thông báo có quả thận từ người phụ nữ 46 tuổi chết não do tai nạn giao thông, khả năng cao tương thích.
"Tôi lật đật bỏ hết mọi thứ, chạy vào viện xét nghiệm, may mắn phù hợp và trải qua ghép, mọi thứ diễn ra nhanh đến mức vẫn chưa tin là sự thật", chị nói.
Quả thận mới giúp chị có nước tiểu trở lại, không còn mệt mỏi như khi chạy thận, ăn uống ngon miệng, thấy "thức ăn có hương vị khác hẳn" thay vì "cảm giác không nuốt nổi cơm" như trước. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy chức năng thận ghép đang hoạt động tốt, trở về mức gần bình thường, không ghi nhận dấu hiệu thải ghép cấp. Hệ số thanh thải creatinine cải thiện đáng kể, lượng nước tiểu được bài tiết ổn định.
"Nghĩa cử của người hiến, của gia đình cực kỳ có ý nghĩa, là món quà vô giá với những người bệnh như tôi. Dù không biết chị là ai, nhưng chị đã sinh ra tôi lần thứ hai", người phụ nữ chia sẻ.

Bệnh nhân trong phòng cách ly sau ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Bích Hạnh
Cùng chia quả thận còn lại từ người phụ nữ chết não là chàng trai 32 tuổi. Anh từng là nhân viên bán hàng, từ khi phát hiện suy thận giai đoạn cuối hơn 4 năm trước đã phải nghỉ việc, mọi chi phí đều do mẹ lo liệu. Còn quả tim của người hiến chết não được vận chuyển ra Huế để ghép cho người bệnh suy tim giai đoạn cuối.
Ngày 13/7, BS.CK2 Nguyễn Xuân Toàn, Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết sau hai tuần hậu phẫu, cả hai bệnh nhân nhận thận đều hồi phục rất tốt, vượt qua giai đoạn nguy cơ cao sau ghép. Dự kiến, cả hai được xuất viện trong tuần tới và theo dõi định kỳ tại phòng khám ghép thận.
Ghép thận là phương pháp thay thế thận mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Không phải người bệnh nào cũng có người thân hiến một quả thận để ghép. Nguồn tạng hiến từ người chết não là cơ hội duy nhất giúp cuộc sống của họ có thể hồi sinh. 6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thực hiện được 4 trường hợp ghép thận từ người hiến chết não.
Lê Phương