Đầu tiên, tôi xin chúc mừng bạn chuẩn bị đón bé đầu lòng, đây chắc chắn là niềm vui rất lớn với bạn. Là mẹ đơn thân, việc bạn quan tâm tới quản lý tài chính cá nhân thực sự rất cần thiết trước những thay đổi lớn trong cuộc sống hiện tại.
Bạn đang cần tư vấn cho một số vấn đề. Thứ nhất, với khả năng thu nhập bị giảm sau sinh, hoặc khả năng tồi tệ nhất là bị mất việc, bạn nên quản lý chi tiêu như thế nào cho phù hợp. Thứ hai, trong trường hợp bạn quyết định xây nhà, nên dành bao nhiêu tài chính và đầu tư như thế nào.
Trước khi đi sâu vào phân tích những vấn đề bạn quan tâm, tôi sẽ đánh giá tổng quan tình hình thu nhập, chi tiêu và danh mục tài sản hiện tại. Phần chia sẻ của bạn chưa rõ là đang sinh sống và làm việc ở đâu, bạn đang thuê ngoài hay ở cùng ba mẹ. Trước khi có con, thu nhập của bạn đang là 20 triệu, chi tiêu hàng tháng là 5 triệu, bạn đang có tỷ lệ tiết kiệm lên tới 75%, đây là tỷ lệ tiết kiệm rất tốt. Về tài sản, bạn đang phân bổ ở tiết kiệm, vàng, chứng chỉ quỹ. Danh mục tài sản của bạn có tính thanh khoản tốt, khá đa dạng và tính trong dài hạn, tỷ suất sinh lời bình quân khoảng 6-8% mỗi năm.
Lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng nhích lên trong dài hạn, còn hiện tại nằm trong 4,5-5,5% mỗi năm, chỉ nhỉnh hơn lạm phát một chút.
Đối với vàng, những vấn đề địa chính trị phức tạp trên thế giới, cũng như việc nền kinh tế mới đang trong giai đoạn phục hồi, giá có thể vẫn còn tiềm năng tăng thêm. Tuy nhiên khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại, vàng sẽ gần như không tăng hoặc có thể giảm. Tỷ lệ nắm giữ vàng nên ở mức 10% trên tổng tài sản.
Chứng chỉ quỹ là kênh phù hợp với các nhà đầu tư chưa có nhiều kiến thức trên thị trường chứng khoán, không có nhiều thời gian nghiên cứu mà vẫn có thể đạt được tỷ suất sinh lời kỳ vọng khoảng 12% mỗi năm trong dài hạn. Tính từ đầu năm tới nay, nhiều chứng chỉ quỹ đang cho tỷ suất sinh lời từ 10-20%.
Quản lý chi tiêu như thế nào khi có nguy cơ giảm thu nhập sau khi đi làm lại? Ngay từ bây giờ, bạn nên tính toán những chi phí phát sinh cho bé sau này. Tôi gợi ý một số câu hỏi như sau: Bạn sinh ở bệnh viện công hay tư? Công ty bạn có mua thẻ chăm sóc sức khỏe mà có thể chi trả một phần chi phí sinh hay không? Dự trù ra sao với chi phí tiêm phòng, quần áo, bỉm sữa? Có cần thuê người giúp việc hay có sự phụ giúp từ gia đình?
Theo tổng hợp từ FIDT, nếu thu nhập của bạn là 20 triệu, có một người phụ thuộc, số tiền tiết kiệm hàng tháng sẽ dao động 20-40%. Bảng dưới đây cho bạn góc nhìn tổng quát về các khoản chi phí phát sinh từ lúc mang bầu tới khi có bé. Dựa vào mong muốn và tình hình tài chính của bản thân, bạn hãy liệt kê và tính toán để xác định được mức chi tiêu và tiết kiệm bình quân sau khi có bé.
FIDT thường sẽ khuyến nghị khách hàng sử dụng phương pháp quản lý chi tiêu không ghi chép, không dùng ứng dụng, không Excel. Hàng tháng sau khi nhận được lương, bạn sẽ chuyển khoản tiết kiệm và đầu tư sang một tài khoản, đồng thời khoanh vùng chi tiêu thụ hưởng thông thường từ 10-15% thu nhập sang một tài khoản, phần còn lại là phần chi tiêu thiết yếu.
Trong trường hợp bạn vẫn duy trì được công việc sau sinh, việc giảm tỷ lệ tiết kiệm không tạo thêm những gánh nặng về mặt tài chính do bạn không có khoản nợ nào, đơn thuần là tài sản của bạn sẽ tăng chậm hơn và có thể bỏ lỡ các cơ hội đầu tư. Còn nếu khả năng bạn bị mất việc, hãy kiểm tra kỹ hợp đồng lao động đang ký theo năm hay vô thời hạn. Luật Lao động luôn có nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của người lao động, nếu công ty cho bạn nghỉ, họ sẽ cần tuân theo quy định của luật. Lưu ý là bạn có thêm sự trợ giúp của bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn tìm việc mới.
Theo tôi, để tránh bị động với câu hỏi là có duy trì được công việc hay thu nhập sau sinh không, bạn nên tranh thủ thời gian nghỉ sinh để bổ sung kỹ năng, tăng khả năng cạnh tranh và đón chờ các cơ hội việc làm mới trong tương lai. Như vậy thu nhập của bạn không bị gián đoạn và bạn vẫn duy trì được khoản tiết kiệm hàng tháng.
Xây nhà với tài chính bao nhiêu là hợp lý? Dự định xây nhà là một quyết định lớn, cần nằm trong một kế hoạch tài chính tổng thể. Do vậy, cơ cấu tài sản của bạn cũng tính tới dự định tài chính mà bạn chuẩn bị cho việc xây nhà là bao nhiêu. Tài chính để xây nhà sẽ khác nhau theo nhu cầu cá nhân, theo khu vực, nhưng theo khảo sát có lẽ bạn sẽ cần bỏ ra ít nhất 600 triệu đồng.
Nếu bạn có khả năng cao duy trì được mức thu nhập 20 triệu hiện tại hoặc giảm không đáng kể, có thể cân nhắc tới giải pháp vay ngân hàng. Hiện tại nhà băng vẫn đang có các gói vay ưu đãi cố định 2-3 năm cho việc mua nhà khoảng 6,5-7,5% mỗi năm. Hãy đảm bảo số tiền lãi và gốc bạn trả không quá 60% số tiền thặng dư hàng tháng và vay thời gian dài nhất có thể 25 hoặc 30 năm, để tránh bị áp lực nợ. Giả sử sau khi có em bé, với thu nhập 20 triệu, thay vì tiết kiệm được 15 triệu mỗi tháng, số tiền tiết kiệm hiện tại là 10 triệu, vậy số tiền trả gốc và lãi chỉ nên ở mức khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng.
Trong trường hợp xấu nhất, thu nhập của bạn bị giảm hoặc chưa tìm ngay được công việc mới, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Bạn có thể phải dùng toàn bộ vốn xây nhà từ nguồn tài sản hiện tại. Một giải pháp bạn có thể quan tâm là cho thuê căn nhà mới xây để tạo dòng tiền thụ động trong giai đoạn bạn giảm thu nhập hoặc mất việc.
Với số tiền còn lại sau khi xây nhà, bạn sẽ tiếp tục phân bổ vào tiết kiệm, vàng và chứng chỉ quỹ. Mức phân bổ của vàng nên cân nhắc ở 10% tổng tài sản. Với chứng chỉ quỹ, bạn gia tăng tỷ trọng, mua tích sản hàng tháng hoặc gia tăng thêm tỷ trọng vào những thời điểm thị trường phù hợp. Bạn cũng sẽ cần đa dạng trong chính lớp tài sản chứng chỉ quỹ, cụ thể là chứng chỉ quỹ mở và chứng chỉ quỹ ETF, mức khuyến nghị là 20-30%.
Về tiết kiệm, bạn có thể phân bổ 10-20% thu nhập, chia thành các kỳ hạn gửi tiết kiệm khác nhau.
Nếu khẩu vị rủi ro của bạn cao hơn, theo tôi, tài sản vẫn có thể phân bổ một phần cho bất động sản vùng ven. Đây có thể là tài sản tích lũy học vấn cho con trong tương lai.
Quản trị rủi ro đầu tư
Dù với bất cứ khả năng về thu nhập nào xảy ra, cũng như cách thức đầu tư nào bạn lựa chọn, hãy luôn đảm bảo các phương án quản trị rủi ro. Thứ nhất, bạn cần có một khoản dự phòng 3-6 tháng chi tiêu và khoản lãi vay phải trả nếu có. Điều này sẽ giúp bạn ứng phó được các biến cố không may xảy ra trong cuộc sống. Thứ hai, trang bị bảo hiểm nhân thọ để phòng vệ cho các biến cố về sức khỏe.
Đây sẽ là những tấm lá chắn giúp bạn không bị thiệt hại kép, khi vừa gặp rủi ro, vừa thiệt hại về tài chính. Nếu bạn đã có bảo hiểm nhân thọ, cần được tư vấn để đánh giá lại gói bảo hiểm đang sở hữu liệu có phù hợp khi bạn sinh em bé hay không. Thứ ba, đa dạng hóa danh mục tài sản để tối ưu được hiệu suất đầu tư.
Suy cho cùng, quyết định xây nhà và đầu tư nên được xem xét trong khuôn khổ của một kế hoạch tài chính tổng thể, được thiết kế để cân nhắc đến mức độ rủi ro có thể chấp nhận, mục tiêu tài chính dài hạn và nhu cầu lập tức của bản thân cũng như gia đình. Tóm lại bạn có thể cân nhắc một số lời khuyên như sau.
Thứ nhất, tận dụng thời gian nghỉ sinh để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, học thêm các kỹ năng cần thiết để gia tăng cơ hội giữ được công việc hiện tại hoặc tìm kiếm công việc khác có thu nhập tương đương hoặc cao hơn.
Thứ hai, bổ sung kịp thời các phương án quản trị rủi ro như quỹ dự phòng khẩn cấp, bảo hiểm nhân thọ.
Thứ ba, tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính. Chuyên gia có thể giúp bạn lập kế hoạch chi tiết và đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp với tình hình thu nhập hiện tại của bạn.
Hy vọng những tư vấn trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc ra quyết định về đầu tư và cơ cấu danh mục tài sản. Chúc bạn mẹ tròn con vuông, luôn mạnh khoẻ và thành công trên con đường đầu tư tài chính.
Vũ Thị Hương
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT