''Tôi nghĩ con hạnh phúc thì mình mới hạnh phúc nên tôn trọng và ủng hộ quyết định của các con'', bà Hoàng Thị Hồng, 65 tuổi, ở Thái Bình nói.
Vì thế mà vợ chồng con trai bà kết hôn 6 năm thì có 5 năm đón giao thừa nhà ngoại, ở Bắc Giang. Duy nhất năm ngoái, do nhà nội có lễ mừng thọ nên họ ăn Tết nội trước rồi về ngoại sau.
''Nhưng mẹ chồng tôi dặn những năm sau cứ theo lịch cũ mà làm'', Khánh Hòa, 27 tuổi, con dâu bà Hồng nói. Hàng năm, vợ chồng Hòa sẽ về Tết ngoại từ khi cơ quan chồng cô nghỉ việc đến hết ngày mùng 1. Mùng 2 đến hết đợt nghỉ Tết họ ở nhà nội.
Năm nào được nghỉ Tết sớm, cô tranh thủ về nội phụ mẹ chồng sắm sửa cho ba ngày Tết. Nếu lịch nghỉ của chồng Hòa sát Tết, họ gửi tiền biếu bố mẹ chồng rồi về thẳng nhà ngoại. ''Bố mẹ chồng luôn dặn chúng tôi bố mẹ nào cũng phải yêu thương, trân trọng'', Hòa nói.
![Gia đình nhỏ của anh Nghị bên bố mẹ vợ, dịp Tết 2019. Ảnh nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/14/273901237-4691504310904842-371-4679-1672-1736835389.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XEvxq-Hi913Mo5PCFmhNtA)
Gia đình nhỏ của anh Nghị bên bố mẹ vợ, dịp Tết 2019. Ảnh nhân vật cung cấp
Ở TP HCM, gia đình bà Nguyễn Thị Thu, 63 tuổi, cũng luôn tôn trọng quyết định ăn Tết ngoại hàng năm của vợ chồng con trai cả, anh Bùi Xuân Nghị. 8 năm từ ngày lấy vợ, anh Nghị chỉ ăn Tết ở nhà năm đầu tiên, các năm sau đều về ngoại. ''Con dâu ở trong này cả năm rồi nên Tết ra ngoại là hợp lý'', bà nói.
Bốn năm trước, vợ chồng anh Nghị về ngoại, vợ chồng bà Thu cũng đặt vé ra miền Trung ăn Tết cùng thông gia. Chứng kiến Tết quê đầm ấm, tình cảm, bà Thu hiểu vì sao các con năm nào cũng muốn về. ''Hai bên nội ngoại, tụ tập cùng mấy gia đình họ hàng nữa, vui quá trời luôn'', bà kể.
Khảo sát của VnExpress với gần 1.000 độc giả cho thấy có 77% cho rằng các gia đình nên chia đều thời gian ăn Tết cho cả hai bên nội, ngoại, 21% ủng hộ việc ăn Tết ngoại nếu đã sắp xếp mọi thứ ổn thỏa.
Chưa có số liệu thống kê nhưng theo quan sát của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, ngày càng nhiều bố mẹ chồng như gia đình bà Hồng hay bà Thu, để các con tự quyết ăn Tết ở đâu, miễn phù hợp.
Giải thích cho xu hướng này, bà Minh cho rằng các bố mẹ chồng thời nay đươc tiếp cận thông tin hiện đại nên hiểu nàng dâu không thích quẩn quanh trong gian bếp. ''Giờ nhà nào cũng chỉ có 1-2 con nên nhu cầu gắn kết gia đình càng quan trọng, dù là con trai hay con gái'', bà nói.
Thêm vào đó, Tết ngày nay không còn phức tạp cỗ bàn và cũng có nhiều dịch vụ dọn dẹp nên phụ nữ bớt vất vả. ''Khi không thiếu người lo Tết thì các gia đình cũng sẽ không đặt nặng việc con dâu có ở nhà chồng hay không'', bà Minh nhận định.
Quan trọng hơn, ngày nay phụ nữ trẻ hiểu biết về giá trị bản thân. Họ cũng độc lập trong tài chính nên dám nói lên nguyện vọng của mình.
Lấy chồng năm 18 tuổi, nhưng ngay khi cưới Khánh Hòa đã thỏa thuận trước với chồng sẽ về ăn Tết nhà mẹ đẻ. Chồng cô vốn có 10 năm là du học sinh ở nước ngoài, tư tưởng phóng khoáng, tôn trọng vợ nên ủng hộ ngay.
Còn anh Bùi Xuân Nghị, 34 tuổi, con trai bà Thu, luôn đứng ra thưa chuyện với bố mẹ, để hai vợ chồng về ngoại ở Nghệ An, ăn Tết.
Ông bà cụ của anh Nghị trước khi mất ăn chay trường nên dịp đầu ăn, việc làm cơm thắp hương không cầu kỳ. Hơn nữa, ở nơi anh sống, Tết chủ yếu ăn nhậu, hết mùng 1 gần như không còn hoạt động gì. Vì vậy, vợ chồng anh về ngoại không phải áy náy mẹ phải một mình vất vả cỗ bàn.
''Tôi cho rằng thực sự yêu thương vợ thì sẽ vui khi thấy vợ hạnh phúc bên gia đình. Bố mẹ tôi thương con cũng vui với niềm vui của con'', anh nói.
Tiến sĩ Minh cho rằng khi hai người trẻ kết hôn nghĩa là kết nối tình thông gia của hai gia đình. Vì vậy, việc tạo điều kiện để các cặp vợ chồng trẻ được thoải mái chọn ăn Tết nội hay Tết ngoại, không chỉ giúp các con vui vẻ, mà hai bên thông gia cũng gắn kết và thấy được gia đình còn lại trân trọng.
Với những người vợ, được gia đình chồng ủng hộ và tôn trọng, họ sẽ luôn vui vẻ và biết ơn. ''Khi đó, các cô dâu sẽ quay lại đối xử với nhà chồng bằng sự biết ơn đó'', chuyên gia nói.
![Khánh Hòa và mẹ chồng trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh nhân vật cung cấp](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/01/14/z6217655074345-6896b8e360024da-4193-1878-1736835389.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jTaT2gxDLIK1Nqx69QqS_g)
Khánh Hòa và mẹ chồng trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh nhân vật cung cấp
Khánh Hòa lúc nào cũng thấy may mắn vì có bố mẹ chồng tâm lý. Cô hãnh diện khi năm nào họ hàng đến chúc Tết cũng thấy Hòa có mặt ở nhà bố mẹ đẻ ngày mùng Một Tết.
Bà Hồng cho biết dù ăn Tết bên ngoại, con dâu luôn chu đáo với bố mẹ chồng. Trước Tết cả tháng, cô tìm mua quần áo đẹp để bố mẹ diện Tết, tìm những thực phẩm ngon, bổ dưỡng biếu ông bà. ''Con dâu tôi còn tâm lý hơn cả con gái'', bà nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, các gia đình bên ngoại, nội ở gần nhau thì có thể ủng hộ việc ăn Tết ngoại hàng năm, nhưng trường hợp hai nhà xa nhau, chỉ về ăn Tết ngoại thì không hợp lý. "Ai cũng mong con cháu đoàn tụ vào dịp này, nên tính toán cẩn thận để hai nhà đều vui", chuyên gia chia sẻ.
Ủng hộ quan điểm này, bà Minh lưu ý thêm, các cặp vợ chồng trẻ nên ưu tiên quà cáp bên không về được nhiều hơn, như một cách bù đắp và bày tỏ tình cảm dành cho đấng sinh thành.
Phần vì thương bố mẹ đẻ, phần vì điều kiện tài chính, từ Tết năm nay, vợ chồng con trai bà Thu dự định sẽ một năm ăn Tết nội, một năm ăn Tết ngoại. "Như vậy vừa tiết kiệm, ba mẹ đỡ buồn mà vợ cũng vui'', anh nói.
Phạm Nga