Vợ chồng tôi cưới nhau 15 năm, có một bé gái, kinh tế hiện tại ổn định và đã có nhà riêng. Lúc mới cưới, bước ra đời, chúng tôi không có gì ngoài gần một cây vàng cưới. Nhờ sự động viên và giúp đỡ từ phía nhà vợ, tôi làm nên sự nghiệp như hôm nay. Nhà vợ kinh tế hồi đó cũng chỉ trên trung bình nhưng sẵn sàng thế chấp căn nhà đang ở cùng hai mảnh đất để đưa vốn cho chúng tôi làm ăn. Về phía nhà tôi, mẹ nghe lời chị gái, sợ tôi làm ăn thua lỗ rồi mất hết nên im lặng, không cho mượn đất thế chấp. Dù mảnh đất đó là trước khi cưới vợ, tôi đi làm thuê góp một nửa tiền cho mẹ mua. Tôi cũng hiểu nên không trách, chỉ hơi buồn, còn vợ tôi để bụng.
Công việc ban đầu kiếm không dư dả nhiều, chỉ đủ trả lãi nhưng từ từ cũng ổn. Vợ chồng đi biệt xứ, gửi con cho ông bà ngoại chăm. Nhà tôi cũng ít tới lui thăm cháu vì ngại đến nhà thông gia, nhưng lý do đó vợ tôi không chấp nhận. Xa xứ gần 8 năm, trả hết nợ và có dư, chúng tôi về xây nhà ở hẳn. Giữa vợ và mẹ tôi tuy không mâu thuẫn gì nhưng trong lòng vợ có nhiều bức xúc với mẹ chồng. Đầu tiên là việc vợ tôi mang thai khó, dọa sảy thường xuyên và lúc đó còn nghèo nhưng mẹ tôi giục sinh con tiếp, lý do "trời sinh voi sinh cỏ, từ từ cũng nuôi lớn được", hơn nữa là bà muốn cháu trai. Nỗi vất vả của cha mẹ vợ, mẹ tôi đâu thấy. Con tôi sinh ra ai chăm, chẳng lẽ mang nó theo lênh đênh sông nước vất vả như cha mẹ nó.
Khi vợ tôi sinh có dặn tôi nhớ đón con vì cha tôi nghiện rượu và thuốc lá nặng, vợ tôi không muốn mẹ tôi đón tay cháu. Thế nhưng khi y tá vừa bế cháu ra, mẹ tôi chạy lại giành. Vợ tôi biết, tức lên, tăng huyết áp, phải dùng thuốc. Bây giờ khi thấy chúng tôi khá giả, chị gái kể lể tôi không lo được gì cho cha mẹ. Phận tôi là con trai phải gánh vác gia đình, cúng kiếng và nuôi cha mẹ già. Vợ tôi không nói gì nhiều, chỉ nói tôi tính thế nào thì phải nói cho cô ấy biết.
Tiền chúng tôi vất vả kiếm chung, tôi lo cho cha mẹ bao nhiêu thì cô ấy lo cha mẹ bên đó hơn thế, bởi nhờ bên vợ mà chúng tôi mới có ngày hôm nay. Tôi nói cho cô ấy quyết, vợ bảo sẽ không cho đồng nào vì ông bà còn khỏe, nhưng ông chỉ biết uống rượu, một năm đi làm được 3 tháng, mẹ thì không đi làm vì sợ cực. Vợ tôi cho rằng, nuôi bố mẹ chồng sẽ khiến họ sinh tính ỷ lại, rồi cũng chẳng biết có nuôi nổi không vì giờ ai cũng mới 60.
Vợ tính mỗi tháng bỏ vài triệu đồng vào một nơi, khi nào ông bà đau ốm thì lấy ra dùng. Tôi biết vợ ưu tiên cho cha mẹ cô ấy hơn cũng đúng, bởi ông bà nuôi con tôi mấy năm khá vất vả, còn lo vốn liếng cho chúng tôi làm ăn. Nhưng nghĩ lại, có cha mẹ thì mới có tôi, tôi cũng phải chăm lo cho họ. Tôi làm căng thì vợ tôi muốn ly hôn. Hiện tại nhà xây trên đất cha mẹ vợ cho, đứng tên cha vợ. Tài sản cũng đều đứng tên cha vợ vì ông bà thế chấp vay tiền thì ông bà đứng tên. Vợ tôi nói cô ấy là con một, trước sau gì cũng của cô ấy. Vì tôi nhu nhược nên cô ấy không tin tưởng mà giao tài sản.
Cha tôi đổ bệnh, tiền thuốc thang viện phí cô ấy chia 3 gồm chị tôi một phần, mẹ tôi một phần và tôi một phần. Cô ấy nói như vậy xem bên nội phản ứng ra sao nhưng sẽ chi toàn bộ, không ngờ nhà tôi phản ứng gay gắt nên cô ấy không chi hết mà chỉ đưa đúng số tiền một phần và gửi thêm ít triệu đồng riêng cho cha ăn uống bồi bổ. Ý chị và mẹ thì tôi là con trai, phải lo hết, chị đi lấy chồng là xong, còn mẹ làm gì có tiền, vợ chồng tôi giàu có nhưng tính toán chi li. Nói thế nào vợ tôi cũng không chi ra thêm. Vợ tôi hỏi chị tôi: "Giả sử em chị lấy vợ khác, nhà vợ không ai giúp đỡ, cộng với bản tính thụ động của em chị thì có giàu nổi để hôm nay có tiền mà chi một phần đó không, nói gì đến toàn bộ". Tôi quá mệt mỏi khi đứng giữa, nhà tôi thì trách móc sinh ra đứa con trai chỉ biết nghe lời vợ, còn vợ nói nhà chồng sống lợi dụng, lúc khó khăn mất dạng, lúc giàu có đòi hỏi đủ điều. Tôi phải làm sao đây?
Trần Hoàng