Từ 1/7, cả nước chỉ còn 34 tỉnh/thành phố thay vì 63 tỉnh/thành phố như trước đây. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mã vùng điện thoại cố định của các tỉnh/thành phố mới được sắp xếp từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh cũ trở lên dự kiến sẽ sử dụng mã vùng đang gắn với tên của tỉnh/thành phố mới.
Ví dụ hai tỉnh Tuyên Quang (mã vùng 207) và Hà Giang (mã vùng 219) được sắp xếp thành tỉnh Tuyên Quang, mã vùng mới sẽ là 207.

Một người đang nghe điện thoại. Ảnh: Lưu Quý
Trước mắt với 23 tỉnh/thành phố mới được sắp xếp, tạm thời sử dụng song song các mã vùng điện thoại cố định của tỉnh/thành phố cũ cho đến khi có thông báo mới của Bộ Khoa học và Công nghệ.
11 tỉnh/thành phố không có sự biến động sẽ giữ nguyên mã vùng điện thoại cố định gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La.

11 tỉnh/thành phố giữ nguyên mã vùng điện thoại cố định.
Đối với tỉnh/thành phố vừa sáp nhập, đang sử dụng song song mã vùng của hai đơn vị hành chính cũ, nếu khác mã vùng, thuê bao cố định khi gọi cho nhau vẫn phải bấm mã vùng. Tuy nhiên, cuộc gọi sẽ được áp dụng mức giá cước nội hạt.
Trường hợp thuê bao điện thoại cố định thuộc tỉnh/thành phố mới gọi tới thuê bao thuộc tỉnh/thành phố khác và ngược lại thì quay mã vùng và áp dụng mức cước liên tỉnh.
Trọng Đạt
- Trạm thu phát gốc 5G đạt giải Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội
- Việt Nam tăng 14% lượng người dùng Internet di động
- Băng tần 'kim cương' 700 MHz cho 5G có chủ