Ngày đó, đi đến đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô hàng nước, bác xe ôm hay những công chức bỏ bê công việc dán mắt vào màn hình xanh đỏ. "Chơi chứng khoán" như một cơn sốt ở chốn đô thị.
17 năm qua, bên cạnh những thời khắc thăng hoa, tôi cũng chứng kiến không ít mất mát. Gần như năm nào cũng có những cổ phiếu có dấu hiệu "làm giá". Có nghĩa rằng nếu bạn cảm thấy nuối tiếc vì đã bỏ qua cơ hội với những "hàng nóng" năm nay thì năm tới sẽ lại có "hàng nóng" khác.
Kịch bản phổ biến của những cuộc chơi này là kết cục mất tiền của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức. Sau nhiều cú "bơm xả" - tức là bơm tiền để tạo nhu cầu ảo khiến giá cổ phiếu tăng cao, và bán ra ồ ạt khiến giá cổ phiếu lao dốc, phần lớn nhà đầu tư sẽ ở trạng thái không thể bán được số lượng cổ phiếu đã lỡ mua vào ở mức giá "đỉnh". Tiền chỉ vào tay một số lượng người ít ỏi.
Không ít nhà đầu tư có thể thắng 9 cuộc chơi, đến cuộc thứ 10 thì mất tất cả. Nhiều nhà đầu tư đã không hiểu vì sao lại "thắng", cũng sẽ không thể hiểu tại sao mình có thể mất tất cả như vậy.
Năm 2021 vừa qua, số lượng nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) tăng trưởng đột biến, trở thành nhân tố chủ chốt dẫn dắt thị trường. Chỉ số chứng khoán tăng hơn 35%, nằm trong Top các chỉ số tăng trưởng cao nhất toàn cầu. 1,5 triệu là số tài khoản chứng khoán được mở mới trong năm 2021, bằng cả năm năm trước đó cộng lại.
Covid-19 là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của TTCK khi dòng tiền lớn chảy từ đám đông người dân vào kênh đầu tư này, ngay cả khi các hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên bất định.
Chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh đã tạo ra những "dòng tiền dễ". Khi đám đông đổ tiền vào chứng khoán, giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh. Nhiều người đã kiếm được tiền thật. Không ít người đã bỏ việc chính để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp bất chấp việc thiếu năng lực, kinh nghiệm cũng như kiến thức nền tảng.
Xu hướng đánh cược tiền của mình theo hô hào của các hội nhóm có thể quan sát thấy trong những tháng cuối năm vừa qua, gợi nhớ lại bối cảnh 15 năm trước. Việc mua/bán cổ phiếu nóng mà không cần biết giá trị nội tại, bỏ qua yếu tố nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro lớn.
Nếu đầu tư chứng khoán chỉ là chuyển tiền từ túi người này sang túi người khác thì đó là cuộc chơi có tổng bằng không, có nghĩa là có người thắng và có người thua chứ không mang lại thắng lợi cho tất cả.
Tuy nhiên, bản chất TTCK là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, huy động vốn từ đám đông để giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Khi doanh nghiệp sử dụng vốn phát triển kinh doanh hiệu quả sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông, những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp. Việc đầu tư chứng khoán sẽ mang lại giá trị cho tất cả, từ doanh nghiệp đến nhà đầu tư thay vì việc người thắng lấy tiền của người thua như trong sòng bạc.
Nghiên cứu năm 2000 của The Journal of Finance chỉ ra rằng những người mua đi bán lại thường xuyên có lợi tức đầu tư thấp hơn so với người mua và giữ cổ phiếu lâu dài. Bởi những người mua và nắm giữ đang chơi cuộc chơi win-win (tất cả cùng thắng) thay vì chơi cuộc chơi win-lose (bên thắng bên thua) - một cuộc chơi có tổng bằng không.
Nhưng dữ liệu thống kê cũng cho thấy số lượng người mua bán cổ phiếu thường xuyên lại chiếm số đông. Có lẽ, sức hút từ cuộc chơi ngắn hạn và kỳ vọng chiến thắng trước mắt là một dạng chất kích thích rất khó bỏ. Chỉ có điều, trong ngắn hạn giá trị chưa được tạo ra, và nhà đầu tư ngắn hạn chỉ có thể lấy tiền từ túi người khác bỏ vào túi mình với hy vọng không bị ai đó lấy đi.
Trong tài chính cá nhân, nguyên tắc quan trọng nhất là tích lũy tài sản và khiến tài sản tăng trưởng. Mỗi người, với tính cách, điều kiện kinh tế và năng lực khác nhau cần những kế hoạch tài chính cũng như phương pháp đầu tư phù hợp hoàn cảnh.
Điều quan trọng nhất là sau nhiều năm, nhà đầu tư tạo dựng tài sản chứ không phải là cảm giác chiến thắng nhất thời nhưng có thể phải trả giá bằng việc mất đi sức khoẻ tài chính của cả cuộc đời.
Phan Lê Thành Long