Tại sao lại phải làm như vậy? Đó là vì ảnh in lại trong các sách báo và các tạp chí dĩ nhiên có cùng tính chất với những ảnh nguyên bản - nghĩa là chúng cũng nổi lên nếu ta nhìn chúng bằng một mắt với một khoảng cách thích đáng. Nhưng vì các ảnh khác nhau được chụp bằng những máy có vật kính tiêu cự khác nhau, nên ta đành phải dùng cách dò thử (đưa báo lại gần mắt) để tìm khoảng cách cần đặt ảnh khi xem.
Rất nhiều ảnh, khi nhìn bình thường thì lờ mờ và bằng phẳng, nhưng nếu nhìn theo phương pháp trên thì lại có chiều sâu và rất rõ nét. Đôi khi còn nhìn cả ánh nước và những hình nổi rõ ràng.
Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng rất ít người biết sự thực đơn giản này, mặc dù nó đã được giới thiệu trong các sách khoa học phổ thông cách đây hàng thế kỷ. Trong cuốn "Những điều cơ sở của khoa sinh lý học của trí tuệ", từng được dịch ra tiếng Nga và xuất bản năm 1877, bạn sẽ tìm thấy những dòng sau đây về cách xem ảnh.
"Đáng chú ý là hiệu quả của cách xem ảnh (bằng một mắt) ấy không chỉ hạn chế ở việc làm nổi tính chất hình khối của đồ vật; nhưng đặc điểm khác là tính chất sống và tính chất hiện thực do ảo giác bổ sung cho cũng rất độc đáo. Điều này chủ yếu thể hiện ở những bức ảnh chụp mặt nước yên lặng là những tấm ảnh mà trong điều kiện thông thường thì thể hiện kém nhất. Nhìn chúng bằng cả hai mắt thì mặt nước sẽ đục như mặt sáp, nhưng nếu nhìn bằng một mắt thì ta sẽ thấy nó trong suốt dị thường và thấy cả chiều sâu của nước. Các tính chất khác của các bề mặt phản xạ ánh sáng như mặt đồng thau và ngà voi cũng thể hiện rõ như thế. Nếu xem ảnh bằng một mắt chứ không phải bằng hai mắt thì ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay là vật chụp được trên ảnh làm bằng vật liệu gì".
Cũng lưu ý thêm một điều nữa. Nếu những tấm ảnh khi phóng đại thể hiện tính chất sống rõ hơn, thì ngược lại khi thu nhỏ chúng thể hiện tính chất đó kém hơn. Đúng ra, những tấm ảnh thu nhỏ lại thì rõ nét hơn, nhưng chúng sẽ là những ảnh phẳng, không gây được ấn tượng về bề sâu và bề ngang. Đó là bởi khi thu nhỏ ảnh, cái "khoảng cách phối cảnh" tương ứng mà bình thường cũng đã quá nhỏ kia lại nhỏ thêm nữa.
(Theo sách Vật lý vui)