Trước khi nhập viện, bé điều trị tại nhà 4 ngày với các triệu chứng như sốt cao, ho khò khè, xuất tiết nhiều đờm dãi. Bệnh không giảm mà thêm khó thở, người nhà đưa bé tới Trung tâm Y tế huyện, bé thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) nhưng không đỡ, tăng khó thở, được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên nền cúm A. Bệnh nhi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp; chống viêm; giãn cơ.
BS. Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực – chống độc, cho biết các biện pháp thông khí hỗ trợ trong điều trị ARDS với mục đích tránh căng giãn phế nang quá mức và tránh xẹp phổi. Đặc biệt thông khí nằm sấp là một phương pháp mới, chưa được áp dụng rộng rãi đối với các trường hợp ARDS nặng ở trẻ em. Ưu điểm của phương pháp này là giúp cải thiện trao đổi khí, huy động các phế nang bị xẹp vùng lưng, cải thiện dẫn lưu tư thế, đồng thời giúp tái phân bố tưới máu, hạn chế các vùng phổi bị phù nề.
Với phác đồ điều trị tích cực, kết hợp điều trị kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng suy hô hấp của trẻ được cải thiện rõ rệt. Sau 18 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, xuất viện.
Bác sĩ Lộc cho biết hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một trong những biến chứng nặng của cúm A, tính chất diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao lên tới 40-70%. Đây là hội chứng bệnh lý tổn thương cấp tính các phế nang mao mạch phổi, đặc trưng bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh. Trong nhiều trường hợp, ARDS làm cho lượng oxy trong máu sụt giảm nghiêm trọng, gây suy đa cơ quan dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
![Bệnh nhi được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp; chống viêm; giãn cơ. Ảnh: Hà Nguyệt](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/anh-chup-man-hinh-2025-02-12-l-2402-2104-1739334237.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6nAVVyqTlZvpZXQB5ouvWA)
Bệnh nhi được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp; chống viêm; giãn cơ. Ảnh: Hà Nguyệt
Ghi nhận tại một số bệnh viện nhi gần đây cho thấy số lượng trẻ nhập viện do cúm A có xu hướng tăng lên, trong đó có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, tổn thương gan nặng... Như tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm tăng mạnh từ tháng 12/2024. Tháng 11, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 100-120 ca, nhưng đến tháng 12, con số tăng gấp 4 lần. Sang tháng 1, số ca tăng gấp 8 lần, có tuần ghi nhận tới 1.200 ca/ngày, trong đó 10-15% là ca nặng cần nhập viện theo dõi.
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết cúm thường gây sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ mắc các bệnh nền mạn tính về tim, phổi thận, chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... có thể gặp chiến chứng nặng. Các biến chứng thường gặp như suy hô hấp, viêm phổi, viêm thanh phế khí quản, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát; đặc biệt làm trầm trọng hơn bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách sát khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm và chủ động đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng, đủ lịch.
Lê Nga