Đó là khi người bệnh hoặc thân nhân cứ khăng khăng bắt buộc chúng tôi phải chẩn đoán và điều trị theo những kết quả xét nghiệm của cơ sở khác - dù chúng đã hết hiệu lực hoặc thiếu độ tin cậy.
Việc phải xét nghiệm nhiều lần, trong nhiều trường hợp, thực sự xuất phát từ nhu cầu chuyên môn. Nhưng cũng đôi khi, chúng xuất phát từ việc lạm dụng để tận thu - như nhận định của nhiều nhà quản lý y tế và bảo hiểm. Điều này khiến cho nhiều bệnh nhân hình thành một định kiến, về việc bác sĩ cố tình gây phiền hà qua xét nghiệm, vì mục tiêu vụ lợi.
Thông tin từ Bộ Y tế về việc thực hiện liên thông xét nghiệm áp dụng từ 1/7/2017 làm nhiều bệnh nhân, và những người chi trả tiền khám chữa bệnh, vui mừng. Đối với họ, đây là một động thái ngăn ngừa việc lạm dụng xét nghiệm.
Nhưng sự mừng vui ấy làm tôi, một bác sĩ ngần ngại. Nếu không có cái nhìn chính xác, nếu quá đề cao mục tiêu ngăn ngừa lạm dụng xét nghiệm, thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về chất lượng khám chữa bệnh.
Để “liên thông”, điều kiện đầu tiên là chất lượng các trung tâm xét nghiệm, ở các bệnh viện khác nhau, phải đồng đều. Bộ Y tế đã bắt buộc thực hiện ngoại kiểm, đó là việc đối chiếu, so sánh kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khác nhau, thông qua một trọng tài là Trung tâm kiểm chuẩn. Nhưng thực hiện ngoại kiểm tốn kém khá nhiều, không thể làm thường xuyên, mà chỉ có thể thực hiện theo một chu kì thời gian nhất định. Ngoài ngoại kiểm, việc thực hiện nội kiểm có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó được thực hiện thường xuyên nhiều so với ngoại kiểm. Nhưng nội kiểm rất dễ bị bỏ qua, vì nó khá tốn kém, ảnh hưởng nhiều đến giá, và đòi hỏi chuyên môn sâu.
Đã không dưới một lần, chính tôi phải sa thải nhân viên. Vì cố tình không tuân thủ qui trình nội kiểm trong xét nghiệm.
Bất cứ một xét nghiệm nào, thực hiện theo bất cứ phương pháp nào, đều có hai đặc tính quan trọng, là độ nhạy và độ chuyên. Độ nhạy là khả năng phát hiện bệnh, tức là thực tế có bệnh, và kết quả trả lời là có bệnh, mà không cho kết quả âm tính giả. Và độ chuyên là tính chính xác của kết quả, có nghĩa là khi kết quả cho là có bệnh, thì thực tế là có bệnh thật, chứ không phải kết quả dương tính giả.
Thật đáng buồn là không có bất cứ một xét nghiệm nào, dù tiên tiến đến đâu, mà lại chính xác 100% cả. Luôn có những kết quả âm tính giả, hoặc dương tính giả. Bao giờ cũng có sai số.
Việc nhận định các kết quả xét nghiệm có chính xác hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng nắm bắt triệu chứng của các bác sĩ lâm sàng. Do vậy, sẽ có những kết quả được bác sĩ của cơ sở này công nhận, nhưng lại không được bác sĩ của cơ sở khác chấp nhận, và yêu cầu làm lại. Nếu muốn người bác sĩ phải chịu trách nhiệm về chẩn đoán và cách thức điều trị của mình, thì họ phải được quyền tự quyết định tin vào cái gì để chẩn đoán.
Ngoài ra, mỗi kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu như kết quả về nhóm máu, hay kết quả xét nghiệm gen, gần như không thay đổi trong suốt cuộc đời, thì có những xét nghiệm thay đổi hàng giờ, thậm chí còn nhanh hơn. Ví dụ như xét nghiệm huyết đồ (công thức máu) trong xuất huyết nội, sốt xuất huyết, bệnh lí nhiễm trùng cấp... có thể thay đổi theo đơn vị thời gian dưới giờ.
Khi có những thay đổi về lâm sàng, hoặc kết quả xét nghiệm trước không còn hiệu lực phản ánh đúng thực tế bệnh tình vào thời điểm đó, bác sĩ lâm sàng vẫn có thể yêu cầu làm lại. Nếu quy kết tất cả những trường hợp yêu cầu làm lại những xét nghiệm của cơ sở trước là lạm dụng, rồi nâng quan điểm lên tầm y đức thì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng khám chữa bệnh. Tôi luôn giải thích rất rõ khi cần phải chỉ định xét nghiệm lại, nếu nhận thấy những xét nghiệm ở các cơ sở khác không phù hợp hoặc hết thời hạn.
Việc thực hiện liên thông xét nghiệm có thể giúp ngăn ngừa việc lạm dụng xét nghiệm, tránh gây phiền hà cho người bệnh, nhưng nếu sử dụng nó như một vũ khí để khống chế các bác sĩ chỉ định xét nghiệm, có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng khám chữa bệnh.
“Liên thông kết quả xét nghiệm” là một hàng rào ngăn chặn tiêu cực mới được đưa ra. Nhưng nếu thiếu những cái nhìn trung dung và khách quan, thì hàng rào ấy có thể ngăn chặn cả những nỗ lực đúng đắn.
Trong bối cảnh mà khả năng kiểm định chất lượng của các phòng xét nghiệm, cũng như mọi thứ “kiểm định” ở các lĩnh vực khác, chưa hề đáng tin, thì tôi rất sợ hàng rào ấy được tuyệt đối hóa. Đặc biệt, là tạo thành hiểu nhầm trong quan niệm của người bệnh.
Võ Xuân Sơn