Ông Hiệp bén duyên với cây xoài lúc 28 tuổi, mới lập gia đình, ra riêng được ba má cho mảnh vườn hơn năm công (5.000 m2). Nhiều năm kinh nghiệm cùng với tư vấn của chuyên gia, năm 2014, ông chuyển sang trồng xoài hữu cơ. Bên cạnh bón phân hữu cơ như phân gà, cá, trùn quế, ông dùng kèm phân vi sinh, không dùng chất cấm.
"Tuyệt đối không xịt thuốc cỏ 2,4D, carphosate. Thuốc trừ bệnh gốc carbendazim không xài vì lưu tồn 6 tháng, xoài mới ra đọt, xịt lên đó, lúc thu hoạch kiểm tra là dính dư lượng thuốc trừ sâu liền", ông Hiệp nói.
![Ông Nguyễn Phú Hiệp bên cạnh vườn xoài hữu cơ. Ảnh: Ngọc Tài](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/07/dsc02581-jpg-1654392211-5931-1-3274-4554-1654591380.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uau9rtMW5bcyLIeQcPUiSw)
Ông Nguyễn Phú Hiệp bên cạnh vườn xoài hữu cơ. Ảnh: Ngọc Tài
Vườn xoài 74 gốc, 20 năm tuổi, được ông Hiệp đánh số thứ tự. Mỗi cây ông xây dựng "lý lịch" riêng để dễ chăm sóc. Mỗi vụ ông tốn 300 kg phân hữu cơ, 15 lít phân vi sinh, chi phí phân bón hơn hai triệu đồng. Chủ vườn cũng chọn cách khắc gốc (chặt nhẹ lên thân cây, ngăn dinh dưỡng từ lá xuống nuôi rễ), kích thích ra hoa tự nhiên thay vì dùng chất paclobutazol không tốt cho môi trường.
Ngoài ra, xoài được bao trái khi to bằng đầu ngón tay, giảm hẳn việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Mấy vụ đầu ông chuyển sang canh tác hữu cơ, năng suất khoảng một tấn mỗi công (1.000 m2) giảm 10-20%, song tổng thu của nhà vườn vẫn như trước, do tiết kiệm chi phí sản xuất.
Sở dĩ ông Hiệp chọn canh tác hữu cơ bởi năm cái lợi: sức khỏe đất, cây, cho người sản xuất, người tiêu dùng và cho cộng đồng. Ông kể lúc trước mỗi lần mang bình đi xịt thuốc bảo vệ thực vật là trong đầu cứ nghĩ viễn cảnh bị bệnh chết. "Ai sợ chết như tôi thì canh tác theo hướng hữu cơ đi nghen", ông nói.
Với năm công xoài, ông thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm. Nông dân xung quanh học làm theo, thành lập tổ hợp tác xoài Bà Két gồm 19 thành viên, diện tích gần 13 ha.
Trên vườn, ông Hiệp còn dùng thiết bị thông minh tự động tưới vườn, điều khiển bằng điện thoại thông minh. Nhìn cách lão nông xài dùng mạng để tra cứu thông tin, đọc báo, bán xoài, nhiều người cùng thời phải thán phục.
Ông Hiệp có cách tiếp thị xoài không giống ai. Gần hai tháng trước, xoài chín thơm lừng trên cây song đầu ra khó khăn. Nhân dịp lên ủy ban tỉnh dự hội thảo, ông mang theo một thùng xoài ngon. Đến nơi, ông gặp vị chủ toạ, cũng là chuyên gia nông nghiệp, biếu một quả, dặn: "Xoài này ngửi ngon hơn ăn".
![Ông Nguyễn Phú Hiệp (giữa) tiếp thị xoài rất hiệu quả ở các hội nghị nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Khánh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/07/xoaichuhiep-3820-1654392482-16-4681-2993-1654592697.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vti_PO_7dqGZjFxE_HD49w)
Ông Nguyễn Phú Hiệp (giữa) tiếp thị xoài rất hiệu quả ở các hội nghị nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Khánh
Quá bất ngờ vì tìm được hương vị xoài chín trồng bằng hạt khi xưa, người chủ tọa rủ nhiều người cùng ngửi với mình. Hình ảnh "ngửi mà không ăn" được truyền trên các phương tiện thông tin, ông tìm được kênh bán hàng sạch, chỉ một đêm bán hết 10 tấn xoài, loại một giá 35.000 đồng, loại hai giá 25.000 đồng, cao gấp 8 lần so giá cân xô.
Lần khác, một doanh nghiệp muốn mua xoài của ông Hiệp đem ra Hà Nội bán, song lo ngại đường xa xoài chín dễ hỏng. Ông quyết định "bảo hành" cho phía thu mua, với lời lẽ chắc nịch: "Xoài loại một 5 ngày không hư, thối một trái tôi đền hết". Không ngờ lô xoài số lượng lớn thời gian sau được doanh nghiệp báo "chở ra hư hỏng, không bán được".
Ông Bảy mời người mua vào Đồng Tháp, rồi chứng minh cho thấy xoài bị thối do cách bảo quản không đúng. Ông đã dặn khi mua hàng, ba ngày sau phải khui thùng xốp cho thoáng khí, mà doanh nghiệp lại "ủ" quá lâu. "Nếu bỏ tôi trong thùng từng đó ngày cũng thối, nói chi xoài", ông nói. Lão nông cũng chứng minh cùng số xoài đem bán, một số trái ông biếu vài người ở huyện, bảo quản đúng cách, không hư, ăn rất thơm ngon.
Có nhân chứng và vật chứng, đơn vị thu mua đồng ý, lại càng tin cách canh tác hữu cơ của ông. Lần khác, ông phát hiện xoài của thành viên tổ hợp tác, lén bón phân trước thời điểm thu hoạch nên chất lượng trái không đạt, thối cuống. Ông chủ động báo cho cửa hàng và bảo hành như cam kết...
Ngọc Tài